Mùa vụ, giống lúa và quản lý dịch hại cho lúa thu đông

Hiện nay, ở ĐBSCL đang tiến hành sản xuất vụ lúa thu đông. Ở những vùng có đê bao chủ động nước tưới thì hầu hết bà con nông dân đã xuống giống được khoảng 1 tháng.

Những vùng duyên hải thuộc các tỉnh ven biển sản xuất lúa nhờ nước trời thì đang và sẽ xuống giống trong thời gian tới. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thì diện tích lúa thu đông ở vùng này không lớn và sản lượng lúa khoảng 2 triệu tấn. Lúa vụ thu đông góp phần cho an ninh lương thực cho cả nước vào cuối năm và là lượng lúa giống có chất lượng tốt cho vụ đông xuân tới. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa vụ này có rất nhiều trở ngại như áp lực sâu bệnh từ vụ trước để lại, mưa gió nhiều gây ngập lụt vào cuối vụ khó khăn cho việc thu hoạch và phơi sấy. Để đảm bảo cho vụ lúa thu đông được thắng lợi, các nhà khoa học đã khuyến cáo bà con cần tuân thủ các điểm sau:

Mùa vụ:

Cần trannh thủ xuống giống dứt điểm vụ lúa thu đông trong tháng 8 để lúa trổ và thu hoạch cuối tháng 11-12. Vào thời điểm này đã ít mưa, lúa trổ gặp nắng sẽ rất chắc hạt sẽ cho năng suất cao, đồng thời có được khoảng gần 1 tháng cho đất nghỉ trước khi vào sản xuất vụ lúa đông xuân năm tới. Ở những vùng có đê bao đã xuống giống thì bà con chú ý chăm sóc lúa thật tốt để kịp thu hoạch lúa trước khi lũ về .

Giống lúa:

Cần thay đổi giống lúa đã sản xuất trong vụ đông xuân và xuân hè vì nếu cùng một chân đất sản xuất 3 vụ cùng một giống lúa sẽ làm cho lúa nhanh thoái hóa, chậm phát triển và dẫn đến năng suất thấp. Hạt giống sử dụng là giống cấp xác nhận và được sản xuất từ vụ lúa đông xuân vì đến nay hạt giống này vẫn có khả năng nảy mầm tốt. Bà con nên sử dụng những giống lúa có chất lượng cao do các Viện nghiên cứu, Trung Tâm giống các tỉnh sản xuất để đảm bảo độ thuần , khả năng nảy mầm và kháng được các loại sâu bệnh chính như rầy nâu và bệnh đạo ôn.

Quản lý dịch hại cho lúa thu đông :

Là vụ lúa cuối cùng trong năm, nên vụ lúa thu đông gặp rất nhiều trở ngại so với những vụ trước như ngộ độc phèn, độc hữu cơ, sâu bệnh từ vụ trước lưu tồn lại, bão lụt luôn đe dọa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.

-Ngộ độc hữu cơ và phèn: Để tranh thủ thời vụ, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân hè là bà con tiến hành xới đất để xuống giống ngay nên rơm rạ vụ trước không kịp phân hủy sẽ gây ra ngộ độc cho lúa đồng thời làm ảnh hưởng đến kết cấu của đất. Song song với ngộ độc hữu cơ là ngộ độc phèn trên ruộng lúa cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lúa. Vì vậy khi thu hoạch lúa xong bà con nên đốt hết rơm rạ. Mùa này mưa nhiều nên rơm rạ bị ướt rất khó cháy hết. Kinh nghiệm đốt đồng của bà con là cần căn ngày nắng ráo để thu hoạch lúa, phơi mớ trên đồng một ngày, nhai lúa vào buổi trưa có nắng to. Trước khi nhai lúa đặt một ít rơm khô hoặc lá cây khô bên dưới và tiến hành phun rơm vào đống rơm khô này.Khi đống rơm được khoảng 2 m3 là tiến hành đốt rơm khô ở phía dưới, lửa sẽ bén lên trên và sẽ làm cháy hết đống rơm mới phun vào. Trong trường hợp không đốt rơm được thì phải vận chuyển hết rơm rạ, cỏ rác lên bờ, bón lót vôi và các loại lân sufer hay lân Long thành trước khi xới đất sẽ hạn chế được phèn và ngộ độc hữu cơ. Cần tăng cường thay nước cho lúa nhiều lần/vụ, tận dụng nguồn nước tốt và nước mưa để tưới nước cho lúa.

-Chất dinh dưỡng bị lấy đi nhiều qua 2 vụ lúa trước dẫn đến đất bị bạc màu vì thế phải bổ sung một lượng dinh dưỡng rất lớn. Cần bón cân đối giữa các loại phân đa lượng NPK , chú ý bổ sung các loại phân hữu cơ, phân vi sinh và các loại phân khoáng có chứa Canxi, Magiê để cải tạo đất. Cần bón phân theo bảng so màu lá để tránh dư phân đạm, bón bổ sung phân ka li làm lúa cứng cây, tránh đổ ngã sẽ làm giảm năng suất lúa.

-Sâu bệnh:

 Đáng quan tâm nhất là nạn rầy nâu di trú. Do canh tác liên tục nên rầy nâu luôn tồn tại nhiều thế hệ trên đồng ruộng . Khi nơi này thu hoạch thì chúng sẽ bay đi nơi khác tìm lúa non để chích hút. Vì vậy bà con cần chú ý né rầy khi xuống giống. Khi rầy vào đền với mật số cao thì tiến hành xuống giống ngay và áp dụng các biện pháp chống rầy khác. Đa số rầy nâu hiện nay đều mang mầm bệnh virus, nếu ruộng lúa non bị rầy tấn công thì khả năng cây lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá rất lớn. Vì vậy khi xuống giống cần tập trung và theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng khi rầy nâu vào đèn với mật số cao nhất và bắt đầu có xu hướng giảm. Khi lúa 5-7 ngày tuổi nếu có rầy tấn công thì cho nước vào ruộng đến trảng 3 cây lúa làm rầy không chích hút được. Mật độ rầy đến 3 con/tép thì sử dụng thuốc đặc trị rầy để diệt.

Sâu cuốn lá cũng rất nguy hiểm cho vụ lúa này. Do điều kiện thời tiết ẩm ướt, lá nhiều và non càng tạo điều kiện cho sâu cuốn lá phát triển. Bà con cần thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện thấy sâu phát triển nhiều thì sử dụng thuốc Regen 5 SC hoặc các loại thuốc khác để diệt.

Bệnh đạo ôn, cháy bìa lá lúa cũng là loại dịch hại quan trọng cho vụ lúa này. Mưa nhiều, điều kiện thời tiết ẩm ướt nhiều càng làm cho các loại dịch hại  phát triển mạnh hơn dẫn đến việc sử dụng thuốc BVTV càng nhiều làm chi phí sản xuất tăng cao và gây ô nhiễm môi trường , nguồn nước. Vì thế cần áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp để quản lý dịch hại , áp dụng triệt để chương trình “3 giảm, 3 tăng” . Trong đó quan trọng nhất là giảm lượng giống sạ và phân đạm. Quan niệm của bà con là vụ lúa này ít đẻ nhánh nên thường sạ với mật số rất cao (250-300 kg/ha) Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì bà con không nên sạ quá 120 kg giống/1 ha để vừa tiết kiệm hạt giống và giảm sâu bệnh  mà năng suất lại cao. Bón phân cần theo bảng so màu lá lúa và không nên bón dư phân đạm sẽ làm cây lúa phát triển lá nhiều, yếu ớt dễ nhiễm sâu bệnh và đổ ngã sớm sẽ gây thất thu năng suất.

Tăng cường áp dụng nhiều biện pháp diệt ốc bươu vàng như gom trứng ốc, thả vịt đẻ vào ruộng, dùng ốc để nuôi tôm cá, sử dụng các loại bả, thuốc sinh học để diệt ốc. Tích cực diệt chuột bằng các phương pháp thông thường như đào hang, hun khói, chất chà, bả thuốc. Áp dụng các công nghệ xử lý sau thu hoạch giúp giảm thất thoát và làm tăng chất lượng và giảm giá thành hạt lúa.

Trần Văn Hiến, Viện lúa ĐBSCL