Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long: Lai tạo thành công nhiều giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu

Năm 2010, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã lai tạo được 18 giống lúa mới, các giống lúa này cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, trong đó có 5 giống chính thức và 13 giống sản xuất thử, nâng tổng số giống lúa được công nhận là trên 100 giống, trong đó có 50 giống chính thức.

Các loại giống lúa của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu, lai tạo đa số mang dòng IR và OM, đây là những giống có thời gian sinh trưởng từ chín mươi đến một trăm ngày và đều thuộc loại giống ngắn ngày, năng suất cao, chống được sâu rầy và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các loại giống OM hiện đang được nông dân các tỉnh gieo trồng từ trên 80% diện tích. Bên cạnh việc lai tạo giống lúa, Viện còn nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng trong vùng lúa, như lai tạo các loại giống đỗ kháng sâu bệnh tốt. Ngoài ra, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long còn đang nghiên cứu sản xuất các giống lúa chịu được độ mặn, khô hạn và ngập úng.

Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khô hạn, lũ lụt, dịch bệnh phát sinh. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, sản lượng lương thực hằng năm đều tăng, góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đưa xuất khẩu lương thực đứng thứ hai trên thế giới. Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng có một vai trò không nhỏ với những thành quả trên, mà điển hình là nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa thích ứng cho từng vùng, chống chịu sâu bệnh, hạn hán.

Đối với từng địa phương, với những kiểu sinh thái khác nhau, Viện đã đưa ra những giống lúa phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là các giống lúa: OM 6377, OM 4101, OM 5472, OM 5490. Đây là những giống lúa có triển vọng phát triển tốt ở tỉnh Đồng Tháp về năng suất, tính chống chịu rầy nâu và bệnh vàng lùn, lợi nhuận thu được tới 22 triệu đồng/ha. Viện cũng đã nghiên cứu và xác định được giống lúa thích hợp cho vùng phèn, mặn của tỉnh Trà Vinh, đưa năng suất lúa vùng này từ 2 tấn/ha lên 5 tấn/ha. Không những thế, Viện còn đóng góp nhiều bộ giống lúa mới thông qua công nghệ di truyền, đưa năng suất lúa của tỉnh Hậu Giang tăng từ 0,2 tấn/ha - 0,5 tấn/ha trên diện tích trên 15 nghìn ha. Đồng thời, Viện đã chọn được một giống lúa tẻ và một giống lúa nếp chống chịu rầy nâu, có phẩm chất gạo ngon, đạt năng suất 7 tấn/ha (lúa tẻ), 6 tấn/ha (lúa nếp), thời gian sinh trưởng 90-100 ngày phù hợp vùng đầu nguồn lũ, giúp tỉnh tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu lúa gạo.

Được biết, trong 10 giống lúa được trồng phổ biến cả nước, Viện đã đóng góp 5 giống. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong 10 giống được trồng phổ biến nhất đã có 9 giống do Viện chọn tạo. Không chỉ thế, các giống lúa do Viện chọn tạo được trồng phổ biến ở các vùng duyên hải miền trungTây Nguyên với tổng diện tích gần 100 nghìn ha, chiếm trên 37%, ở vùng Đông Nam Bộ trên diện tích 221 nghìn ha, chiếm trên 45%./.

Nguồn: diemtin.com