Các giống công nhận chính thức năm 2009

Các giống công nhận chính thức năm 2009

Giống lúa OM 4059

 Giống lúa OM 4059 được chọn tạo từ tổ hợp lai OM3405/MTL250 trong chương trình chọn tạo giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt được tài trợ bởi tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) từ năm 2000 đến 2003, được chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ quần thể F2 (vụ Hè Thu 2002) đến quần thể F6 (vụ Hè Thu 2004), sau đó đưa vào so sánh sơ khởi từ vụ Đông Xuân 2005-2006. Giống có thời gian sinh truởng 95-100 ngày; chiều cao cây 100-110cm; dạng hình gọn và đẹp, đẻ nhánh khá; số hạt chắc/bông 70-80 hạt, tỉ lệ lép 19-21%, trọng lượng hạt 27-28gr; chiều dài hạt 7,04mm; tỉ lệ bạc bụng cấp 9 là 27,2%; hàm lượng amylose là 24,3%; năng suất đạt 4-5 tấn/ha (vụ Hè Thu) và 6-8 tấn/ha (vụ Đông Xuân); có khả năng chống chịu rầy nâu và bệnh vàng lùn (cấp 3), có khả chịu được đất phèn. 

+ Ưu điểm: có thời gian sinh trưởng ngắn (ngang với OM 1490); dạng hình đẹp, đẻ nhánh khá; phản ứng đối với rầy nâu so với giống chuẩn kháng là tương đuơng và ổn định hơn, hơi kháng bệnh vàng lùn; cho năng suất cao và ổn định trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu; chịu điều kiện đất phèn tốt. 

+ Nhược điểm: Bị bệnh lép vàng nhẹ và nhiễm bệnh đạo ôn ở vụ Hè Thu; tỉ lệ bạc bụng hơi cao, nhiễm bệnh lùn lúa cỏ cao (85%). 

+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 4059 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống thích hợp gieo trồng ở các vùng đất thâm canh và chịu được ở vùng đất nhiễm phèn.

            Giống lúa OM 4900

Giống OM 4900 do Viện Lúa ĐBSCL tạo chọn từ tổ hợp lai C53/Jasmin 85, các thế hệ con lai được chọn lọc bằng maker phân tử, sau đó các dòng chọn lọc được đưa vào hệ thống khảo nghiệm. Giống OM 4900 có thời gian sinh truởng 105 ngày, chiều cao cây 96-100cm, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, số hạt chắc/bông 139 hạt, tỉ lệ hạt lép 13,2%, trọng lượng 1000 hạt 28,3gr, hàm lượng amylose thấp (16,2%), hạt gạo dài (7,8 mm), không bạc bụng, phản ứng đối với rầy nâu cấp 3,7- 4,3,bệnh đạo ôn cấp 5; bệnh bạc lá cấp 3; chống chịu tốt với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; năng suất đạt 4-5 tấn/ha (vụ Hè Thu) và 6-7tấn/ha (vụ Đông Xuân).     

+ Ưu điểm: hạt gạo dài, không bạc bụng; hàm lưọng amylose thấp, cơm dẻo, ngon và có mùi thơm sữa; chống chịu tốt đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.           

+ Nhược điểm chính: nhiễm bệnh lùn lúa cỏ 50%, hơi nhiễm đạo ôn, TGST hơi dài     

+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 4900 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống được chấp nhận cao ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và nhiều địa phương khác ở ĐBSCL. Giống phát huy tốt ở các vùng đất phù sa ngọt sản xuất giống lúa chất lượng cao cho xuất khẩu. 

Giống lúa OM 6561-12

Giống lúa OM 6561-12 được tuyển chọn từ giống M12 nhập nội từ Mỹ năm 1997, qua chọn lọc dòng thuần, thanh lọc tính kháng sâu bệnh và đánh giá đặc tính nông học, sau đó đưa vào màng lưới khảo nghiệm và nhân giống từ vụ Hè Thu năm 2006. Giống có thời gian sinh truởng 90-95 ngày; chiều cao cây 95-100cm; dạng hình đẹp, hơi yếu rạ; đẻ nhánh khá; số hạt chắc/bông 100-120 hạt, tỉ lệ lép 19-27%, trọng lượng hạt 26-27gr; chiều dài hạt 6,52mm; tỉ lệ bạc bụng cấp 9 là 7%; hàm lượng amylose là 24,09%; có mùi thơm nhẹ; có hàm lượng sắt trong gạo khá cao (5,8mg/kg gạo trắng); năng suất đạt khá cao và ổn định trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu; có khả năng chống chịu rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh vàng lùn (cấp 3-5).    

  + Ưu điểm chính: có thời gian sinh trưởng ngắn, có tiềm năng để thay thế OM1490, hoặc bổ sung vào cơ cấu giống cực ngắn ngày (Ao); thấp cây, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khá; số hạt chắc/bông cao (tương đương với OM 1490); hạt gạo dài, tỉ lệ bạc bụng thấp; mặt gạo sáng, cơm mềm, ngọt và có mùi thơm nhẹ; hàm lượng sắt trong gạo khá cao; có khả năng thích ứng rộng.

+ Nhược điểm chính: Giống hơi nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn ở vụ Hè Thu, yếu  cây, tỉ lệ lép cao, hạt gạo hơi ngắn (6,5 mm).    

+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 6561 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu, rất thích hợp cho vùng 3 vụ lúa/ năm. Giống thích hợp gieo trồng ở các vùng đất thâm canh và một số nơi có điều kiện bất .

Giống lúa OM 5199-1

Giống lúa OM 5199-1 là dòng lai thuần chọn từ tổ hợp lai Khang Dân/OM 2512 thực hiện trong vụ Hè Thu 2003, được chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ quần thể F2 (vụ Hè Thu 2004) đến quần thể F6 (vụ Hè Thu 2006). Giống có thời gian sinh truởng 105-115 ngày; chiều cao cây 95cm; dạng hình đẹp, thân lá thẳng, rất cứng cây; bông thuộc loại bông chùm, nhiều nhánh, đóng hạt khít, ít lép, hạt nhỏ và ngắn (trọng lượng hạt 20,8gr). Giống cho năng suất cao trong cả hai vụ Đông xuân và Hè thu. Giống có tính kháng ngang đối với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Giống có hàm lượng amylose cao (31,73%) và hàm lượng sắt trong gạo trắng cao gấp đôi các giống lúa đang được gieo trồng tại ĐBSCL.     

+ Ưu điểm chính: thân lá thẳng, lá cờ thẳng đứng và xanh khi bông lúa chín; kháng đối với bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá khá; có hàm lượng sắt trong gạo trắng cao gấp đôi các giống lúa đang được gieo trồng tại ĐBSCL; cho năng suất cao trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu; tỉ lệ gạo nguyên cao; chống chịu được rầy nâu; chịu được điều kiện đất phèn mặn tốt.

+  Nhược điểm chính: hạt gạo nhỏ, bạc bụng, cơm khô và hơi cứng khi để nguội; nhiễm bệnh cháy lá    

+ Khả năng ứng dụng (thời vụ, vùng gieo trồng thích hợp): Giống OM 5199 gieo trồng thích hợp cho cả vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống có khả năng thích nghi với các vùng nhiễm phèn (Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng...) và chống chịu với điều kiện bất lợi tốt.

Theo: http://www.omonrice.org