Ứng dụng các biện pháp sinh học trong trồng trọt

GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) đưa ra 6 thách thức cho sản xuất lúa ở Việt Nam. Bà nói: “Hội nhập quốc tế và khu vực, không chỉ có cơ hội mà còn có khó khăn và thách thức, thậm chí rất lớn, nhất là nông dân trồng lúa”. Do vậy, ngành trồng lúa cần lưu ý: Công nghiệp hóa, tưới tiết kiệm nước, quản lý phân bón theo hướng ICM…; như: giống lúa C4, lúa chống chịu hạn, lúa chống chịu ngập, lúa phẩm chất cao thích nghi với thay đổi khí hậu… Trong số 8 đề xuất chiến lược tại An Giang và các tỉnh ĐBSCL, GS.TS Nguyễn Thị Lang nhấn mạnh: “Chú ý nguồn nhân lực trong bất cứ dự án hợp tác nào về lĩnh vực công nghệ sinh học. Bởi vì, phải quản lý những trang thiết bị rất đắt tiền, cần chuyên viên lành nghề, cán bộ đầu đàn có định hướng nghiên cứu đúng đắn. Việc đào tạo cán bộ trẻ, kể cả ngắn hạn và dài hạn phải được ưu tiên số 1”.

Một trong những chiến lược để quản lý dịch hại trên cây trồng là biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), trong đó biện pháp sinh học được xem là thân thiện với môi trường. PGS.TS Trần Thị Thu Thủy (Khoa Nông nghiệp & SHƯD – Đại học Cần Thơ) cho biết, biện pháp sinh học bao gồm sử dụng vi sinh vật, thiên địch có ích và các sản phẩm sinh học, cho thấy hiệu quả trong quản lý dịch hại cây trồng. Để nâng cao, biện pháp sinh học cần phải được ứng dụng trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM)”. Các nghiên cứu sẽ được chuyển giao, gồm : Sử dụng chất kích kháng để quản lý bệnh thán thư hại rau, quy trình tổng hợp và điều chế pheromone giới tính của bướm sâu vẽ bùa cam quýt (Phyllocnistis citrella Stainton) và sâu đục đỏ trái bưởi (Prays sp.), sử dụng vi khuẩn kích thích tăng trưởng vùng rễ để quản lý bệnh cây trồng, sử dụng vi khuẩn đối kháng để quản lý bệnh lúa von.

Nói về “quy trình nhân nuôi nấm xanh (Metarhizium anisopliae) phòng trừ rầy nâu” tại ĐBSCL, PGS.TS Trần Văn Hai (Khoa Nông nghiệp & SHƯD – Đại học Cần Thơ) cho rằng, bước đầu đem lại hiệu quả cao và an toàn cho người sử dụng trong xu thế đất nước hội nhập. Trong thời gian tới, Tổ Phòng trừ sinh học – Bộ môn Bảo vệ Thực vật (Khoa Nông nghiệp & SHƯD – Đại học Cần Thơ) sẽ triển khai quy mô áp dụng phun chế phẩm vi sinh để phòng trừ dịch hại trên lúa ở các tỉnh, thành ĐBSCL, như: Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… Hiện nay, còn cung cấp và tập huấn kỹ thuật sản xuất chế phẩm nấm xanh trong phòng trị sùng khoai lang, kết hợp với pheromone dẫn dụ để mang lại hiệu quả cao, an toàn và theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, quy trình sản xuất nấm xanh tại nông hộ do Bộ môn Bảo vệ Thực vật – Đại học Cần Thơ nghiên cứu đã đăng ký bảo hộ quyền tác giả và được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn công nhận “Tiến bộ khoa học kỹ thuật mới”. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng đi đầu ứng dụng đã cho hiệu quả một cách thuyết phục, dần dần lan tỏa ra các tỉnh lân cận.

TS Dương Minh (Đại học Cần Thơ) khẳng định “Vai trò của nấm Trichoderma trong việc phòng trị bệnh cây”, còn ThS Bắp Thanh Phong báo cáo “Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn cố định đạm sống tự do ở đất vùng rễ lúa”... Và, còn nhiều đề tài nghiên cứu khác, xung quanh việc “Ứng dụng các biện pháp sinh học trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại An Giang”. Đây là cơ sở khoa học giúp cho lãnh đạo An Giang định hướng, chỉ đạo việc ứng dụng hợp lý ở địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thế Năng cho rằng, các ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học hết sức quý báu; sẽ đúc kết, vận dụng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng  bền vững trong tương lai.

www.baoangiang.com.vn