Cấy lúa bằng máy

Nông dân Trần Hữu Chí (tự sáu Chí), ngụ ấp Bình Hưng II, xã Bình Mỹ (Châu Phú) tính toán, vào thời điểm này, mỗi ngày ông phải thuê đến 50 nhân công để cấy lúa cho trên dưới 2,5 mẫu ruộng, tốn 7 triệu đồng tiền công cấy. Đổi lại, nếu có 1 chiếc máy cấy thì số lượng nhân công sẽ giảm hơn 3 lần.

1cay.jpg

Lúa được cấy bằng máy.

Là nông dân, sáu Chí cũng như nhiều bà con khác thường canh tác theo tập quán cũ như sạ dày chẳng hạn. Về sau nghe khuyến cáo, ông thực hiện sạ thưa, rồi sạ hàng để giúp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Nhưng bây giờ thì không còn sạ hàng nữa, từ năm 2004, sáu Chí chuyển sang sản xuất lúa giống và theo yêu cầu của các công ty phải thực hiện cấy. Tính đến nay, ông đã cấy được 8-9 vụ nhưng toàn là thuê nhân công. Nói đến chuyện tìm nhân công cấy, sáu Chí than thở: “Tui có 3 ha chuyên sản xuất lúa giống. Trước khi tiến hành cấy là phải chạy đôn chạy đáo đi tìm người để đăng ký vô sổ trước. Rồi phải tiến hành cấy sao cho đảm bảo đúng ngày, đúng lịch thời vụ, chứ nếu dời ngày là sẽ không có đủ nhân công”.

Trong lúc hàng trăm nhân công đang cấy lúa miệt mài dưới cái nắng gay gắt trên cánh đồng ấp Bình Hưng II cho sáu Chí, thì Trung tâm Khuyến nông An Giang đã tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm máy cấy lúa, hoàn toàn có thể thay thế cho việc cấy tay vốn rất tốn kém thời gian. Chiếc máy nhỏ, gọn, đơn giản có mật độ cấy vừa từ 1-4 tép/bụi, được đánh giá khá phù hợp với tập quán của nông dân. Máy do Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Hà Nội) chế tạo và cho ra đời cách nay 3 năm, được nhiều nông dân các tỉnh mua sử dụng, với giá thành 25 triệu đồng/máy. Nếu so sánh máy với hàng của Nhật sản xuất thì giá chỉ bằng 1/8 (khoảng 200 triệu đồng). Theo kỹ sư Ngô Văn Hóa, Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết: “Với chiếc máy cấy hàng Việt này, nông dân có thể hoàn toàn an tâm. Để sử dụng máy tốt cần điều chỉnh máy cho đúng, vô dầu mỡ cho đầy đủ và kiểm tra lại ốc vít rồi thì đảm bảo sử dụng êm, không vấn đề gì. Nếu muốn cấy cho đẹp, cho tốt thì điều quan trọng là phải chú ý đến kỹ thuật làm mạ. Bề dày của nền mạ khoảng chừng 2cm trở lại, nền càng bằng mặt càng tốt (có thể tráng xi-măng); tỷ lệ đất phải cao hơn mạ cấy tay, tức nền mạ phải cứng, chắc thì cấy sẽ càng đẹp. Ngoài ra, mật độ khi sạ 1m2 mạ là 600gr giống đối với giống hạt lớn (hạt nhỏ 550gr), sạ đều thì sẽ cấy được 1-2 tép/bụi, đúng với tiêu chuẩn chất lượng cấy giống. Bên cạnh đó, trước khi cấy, bà con nên ngưng tưới nước một ngày để cho nền mạ khô, cứng. Trong khâu làm đất không được để cho sình nhiều quá, tốt nhất là không nên trục đất nhuyễn quá, mà chỉ trục vừa mềm vừa tơi đất được rồi. Sau đó không trạc, mà để máy tự trạc và cấy”. Theo đó, chiếc máy chỉ cần một người cầm lái và hai người tiếp mạ, mỗi ngày có thể cấy được 10 công. Nếu cấy suốt ngày tốn chừng 5 lít dầu, tính thành tiền khoảng 100.000 đồng, cộng thêm nhân công 100.000 đồng/người. Như vậy mỗi héc-ta cấy sẽ tốn chi phí tổng cộng là 400.000 đồng, một công chỉ tốn 40.000 đồng và nếu trừ thêm khoản chi phí hao mòn máy móc thì cũng chỉ tốn tất cả 50.000 đồng/công.

            Xem máy cấy của Việt Nam trình diễn, sáu Chí và nhiều nông dân xã Bình Mỹ mê lắm, tính ra giá thành cũng hợp túi tiền. Có điều theo bà con nhận xét, máy vẫn còn khuyết điểm là cứ chạy 2 vòng phải đổ nước vào rất bất tiện. Đồng thời, nếu khắc phục được cấy bỏ mũi thì việc đưa máy vào sử dụng rất có lợi cho nhà nông.

                                                                                                                                                     http://www.hunglamrice.com.vn/