ĐBSCL tuyển chọn được 16 giống lúa chịu mặn

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa tuyển chọn thêm giống lúa ngắn ngày OM 5464 có khả năng chịu được độ mặn từ 3 đến 4%0, kháng rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá khá tốt.

Trong vụ hè thu năm 2009 và đông xuân năm 2009-2010, giống OM 5464 được canh tác trên gần 6.000 ha tại một số tỉnh ĐBSCL, cho năng suất ổn định từ 5 đến 7 tấn/ha. Giống lúa này cũng đang được Viện Lúa ĐBSCL đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận là giống tạm thời năm 2010. 

Đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã tuyển chọn được 16 giống lúa chịu mặn. Đó là các giống OM 5464, OM 2488, OM 2818, OM 6379, OM 6677, OM 6074, OM 4276, OM 6690, OM 5651, OM 6521, OM 5199ĐB, OM 576, OM 2517, OM 5472, OM 6561, OM 2395 và có 15 trong 16 giống đã được đưa vào sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển. Các giống lúa nêu trên có ưu điểm là kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, ổn định từ 5 đến 7 tấn/ha, phẩm chất gạo tốt, đạt chuẩn xuất khẩu và đang được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến khích sử dụng rộng rãi trong điều kiện hiện nay. Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các địa phương tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, né rầy; đồng thời nhắc nhở các địa phương cân đối tỷ lệ giống lúa chất lượng thấp không vượt quá 15%. Đối với lúa thơm, đặc sản cũng không vượt quá 15% diện tích.

Nước mặn xâm nhập sâu trong mùa khô năm nay gây ảnh hưởng không tốt cho lúa đông xuân tại các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre với diện tích 100.000 ha trong tỷ số 650.000 ha, chiếm 16% tổng diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn