Giải pháp nâng cao chất lượng cây lúa

Để giúp nông dân đứng vững trong thời kỳ hội nhập, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tại cuộc họp tổng kết phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây đã có nhiều tham luận của các nhà khoa học đưa ra giải pháp nhằm phát triển cây lúa bền vững.

giaiphap.jpg

Nông dân tham gia đánh giá chất lượng giống lúa tại Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang.

* Giống và cơ giới hóa

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn, Viện lúa ĐBSCL, vai trò của giống lúa và cơ giới hóa rất quan trọng. Toàn vùng ĐBSCL mới sử dụng khoảng 34% giống xác nhận trong gieo sạ. Trên thực tế, hàng năm, ĐBSCL cần khoảng 400.000 tấn giống lúa xác nhận, nhưng nguồn giống từ các viện, trường, trung tâm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Hiện nay, Viện lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đang thực hiện dự án nhân giống lúa để phục vụ mục tiêu có 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam đến năm 2010. Mặc dù tỷ lệ sử dụng giống lúa trong gieo sạ ở ĐBSCL được cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn còn là thách thức lớn. Bởi giống xác nhận chính quy có quy trình kiểm định, kiểm nghiệm đạt chuẩn chỉ khoảng 9%. Số còn lại do các cơ quan, trung tâm giống tự chứng nhận khi kiểm tra đúng quy trình sản xuất được khuyến cáo. Từ kết quả điều tra thực trạng sản xuất của Viện lúa ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang năm 2006-2007, tỷ lệ nông dân sử dụng giống đạt tiêu chuẩn từ các viện, trường, trại giống, công ty giống đạt từ 10,2-14,2%, trong khi tỷ lệ nông dân tự để lại lúa thương phẩm làm giống lúa cho vụ sau chiếm 49,4-54,7%, tỷ lệ nông dân tự trao đổi giống với nhau chiếm từ 24,7-25,3%.

Bên cạnh đó, thất thoát trong thu hoạch là vấn đề lớn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Theo tính toán, tổng thất thoát từ thu hoạch đến khi ra tiêu thụ là từ 30-50%, nghĩa là nông dân phải mất khoảng 30 USD/tấn lúa. Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, nếu sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch tổn thất lúa chỉ ở mức 2-3%. Nếu toàn vùng ĐBSCL thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, mỗi vụ sẽ tránh được thất thoát khoảng 300.000 tấn lúa.

Để khắc phục tình trạng trên, Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn yêu cầu ngành nông nghiệp và Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang xây dựng một chương trình dài hạn nhân giống lúa các cấp có chứng chỉ theo hệ thống chính quy và hệ thống giống cộng đồng trong các HTX, CLB, các địa chỉ xanh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mạng lưới rộng khắp trong hội viên nông dân để tổ chức nhân giống; phối hợp Viện lúa ĐBSCL tập huấn cho nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật nhân giống lúa, đặc biệt là giống lúa xác nhận. Thiết lập phòng kiểm nghiệm hạt giống đạt tiêu chuẩn cấp ngành trên địa bàn tỉnh. Khích lệ cán bộ nông nghiệp tỉnh, huyện, xã bằng tinh thần và vật chất để họ tự nguyện tham gia làm thêm công tác kiểm định đồng ruộng, kiểm nghiệm hạt giống. Tổ chức lại khâu sản xuất thông qua các mô hình HTX, CLB để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch. Tăng cường tập huấn, tuyên truyền vận động trong cộng đồng nông dân hiểu rõ và nắm bắt được lợi ích của công nghệ thu hoạch để nâng cao chất lượng hạt giống lúa cũng như hạt gạo tại tỉnh nhà.

* Liên kết sản xuất theo quy trình GAP

Phó GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng bộ môn cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, khi xã hội phát triển, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm cho họ phải an toàn, ngon. Bên cạnh đó, quy trình tạo ra sản phẩm cũng không được làm hại môi trường và người lao động. Có nghĩa là người tiêu dùng đòi hỏi phải biết được sản phẩm đó tạo ra theo một quy trình nào. Do đó, sản phẩm phải có giấy chứng nhận để xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng.

Để chuẩn bị cho nông dân sản xuất theo GAP có kết quả tốt cần chọn vùng sản xuất không có nguy cơ ô nhiễm, thích nghi với loại cây trồng được chọn, có cơ sở hạ tầng, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Phải liên kết trong sản xuất, nhất là hình thành các HTX để dễ dàng trong xây dựng thương hiệu hàng hóa, phổ biến kỹ thuật, sơ chế nông sản và tiêu thụ sản phẩm. Cần có những thông tin trong làm ăn, đặc biệt là không có độc quyền mà chỉ có tính cạnh tranh, vì vậy đòi hỏi người nông dân hiện nay phải liên kết lại. Từ đó, xây dựng quy trình canh tác từ khâu giống, chăm sóc, sử dụng thuốc cho đến thu hoạch, bảo quản mới mang lại hiệu quả cao. Nếu như quy trình chuẩn bị không tốt sẽ khó cạnh tranh, nhất là vào thời điểm khó khăn. Ngành chuyên môn, địa phương phải hướng dẫn người sản xuất, nông dân phải được tập huấn thường xuyên và tiếp cận những giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất để tăng thu nhập. Cần có hỗ trợ cho tập thể nông dân đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đồng thời giúp cho hộ dân thực hiện việc đăng ký chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP. Phải xúc tiến thị trường, quảng cáo sản phẩm, thậm chí cả cơ quan Nhà nước Trung ương, địa phương, từng cá nhân hộ nông dân phải có trách nhiệm trong khâu quảng bá sản phẩm để tạo thương hiệu cho từng loại hàng hóa.

* Xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Tham luận của Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Hậu Giang nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho mạng lưới khuyến nông để có đủ trình độ, năng lực tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới. Kết hợp với các viện, trường trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã nghiên cứu đạt hiệu quả để tư vấn, hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình GAP nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm áp lực thiếu lao động, giảm chi phí, thất thoát sau thu hoạch, giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, sẽ chọn những đối tượng cây trồng, vật nuôi thế mạnh xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Phát triển các mô hình sản xuất kết hợp như VAC, VACB, VACBR theo chu trình khép kín, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Tập trung triển khai các dự án, chương trình khuyến nông vào các CLB, HTX, tổ hợp tác, những vùng sản xuất tập trung để tạo ra nông sản hàng hóa số lượng lớn, đồng nhất đáp ứng nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhân rộng và phát triển phương pháp khuyến nông có sự tham gia, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức cá nhân nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Thực hiện tốt công tác tư vấn và dịch vụ khuyến nông - khuyến ngư để giúp nông dân giải quyết những trở ngại trong sản xuất...

www.dangcongsan.vn