Lưu ý trong sản xuất lúa hè thu
Khác với các năm trước, năm nay chúng ta bắt đầu sản xuất vụ hè thu với nhiều khó khăn, nhất là hạn và mặn nghiêm trọng đang đe dọa 40% diện tích xuống giống của toàn vùng, giá cả lúa lại đang ở mức không cao, không hấp dẫn nông dân đầu tư, tình trạng cơ giới hóa đồng ruộng còn chậm chạp nên vẫn xảy ra tình trạng thiếu lao động.
Những vấn đề cần chú ý trong vụ hè thu này là: (1) Thời tiết nắng nóng, khô hạn, thiếu nước ngọt và mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, và mưa sẽ đến trễ hơn mọi năm; (2) Tình trạng xì phèn, ngộ độc hữu cơ chắc chắn sẽ xảy ra; (3) Tình hình sâu bệnh vụ hè thu 2010 sẽ phức tạp hơn.
Để có vụ lúa hè thu 2010 thắng lợi, bà con nông dân có thể áp dụng 9 khâu kỹ thuật liên hoàn sau đây:
1- Chuẩn bị nước, tu sửa ruộng: Cần nạo vét kênh mương, tích trữ nước ngọt: gia cố bờ bao để có đủ nước chăm sóc giai đoạn đầu và có thể đối phó với hạn giữa và cuối vụ.
2- Chuẩn bị đất: Theo PGS. TS Mai Thành Phụng cần cày ải phơi đất tối thiểu 3 tuần trước khi sạ. Việc cày ải giúp cắt đứt cáo mao quản dẫn phèn từ tầng đất dưới lên trên sẽ giúp ngăn chặn xì phèn đồng thời giúp ôxi xâm nhập vào tầng đất mặt, khoáng hóa hữu cơ và dinh dưỡng khó tan thành dễ tiêu cho cây. Đối với những chân đất thấp trũng không cày ải được thì cần thu hoạch sát gốc để phòng chống ngộ độc hữu cơ về sau và giữ nước để chống bốc phèn, xì phèn. Cần trục đất thật kỹ và san phẳng ruộng để phòng tránh xì phèn, ngộ độc hữu cơ và hạn chế cỏ dại. Theo Thạc sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, cần hạn chế tình trạng sạ chay (không làm đất) vì sẽ làm đất chai cứng và năng suất không cao.
3- Gieo sạ đúng lịch: Sạ đúng thời vụ để đảm bảo né rầy, né lũ hay để tận dụng nước trời hoặc giảm áp lực hạn, thiếu nước. Đề nghị bà con nông dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ do ngành nông nghiệp các địa phương công bố và khuyến cáo.
4- Xử lý hạt giống, sạ: Sử dụng các giống tốt, lưu ý các vùng dễ bị mặn xâm nhập để có bộ giống phù hợp. Dùng các giống xác nhận, sạch bệnh. Xử lý hạt giống cũng là biện pháp rất quan trọng nhằm loại trừ bớt một số mầm bệnh và lúa cỏ, hạt cỏ dại trong hạt giống. Xử lý hạt giống bằng nước nóng 54oC (3 sôi, 2 lạnh) nhằm góp phần phá miên trạng và diệt một phần mầm bệnh hại trên hạt lúa. Xử lý bằng nước muối 15% nhằm loại bỏ mầm bệnh lúa von, các hạt lép, lửng, hạt cỏ gạo. Xử lý bằng một số thuốc trừ nấm bệnh có uy tín trên thị trường. Khi gieo sạ, bà con không nên sạ quá dầy mà nên sạ thưa hợp lý. Nếu sạ hàng thì lượng giống từ 80-100kg/ha còn sạ lan thì lượng giống từ 100-120 kg/ha, tối đa không quá 150kg/ha.
5- Bón phân cân đối: Áp dụng bón lót các loại phân lân kiềm tính như lân nung chảy, lân Indo Guano. Đây là những loại phân ngoài lân còn có hàm lượng canxi, magiê, silic cao giúp khử phèn và hạ phèn rất tốt. Nếu điều kiện thuận lợi, sau khi bón có thể xả nước ra để cho tiêu bớt các độc tố trong đất, sau đó mới cho nước mới vào và gieo sạ. Nếu không có các loại phân lân kiềm tính như trên có thể sử dụng các loại phân lân trung tính như phân lân Đầu Trâu, lân super Mg Long Thành. Hạn chế sử dụng các loại lân có tính chua như supe lân vì sẽ làm đất chua thêm. Cần bón thúc đợt 1 sớm và bón nhiều hơn so với vụ đông xuân để lúa đẻ nhánh sớm và bộ rễ ăn sâu xuống, giúp chống chịu tốt với chua phèn, ngộ độc hữu cơ, mặn hoặc khô hạn. Cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá, đặc biệt là các loại có chất kích thích ra rễ nguồn gốc Amino axit như Protifert hay Đầu Trâu 005 hoặc humat canxi để giúp lúa phát triển ngay từ đầu. Bón thúc đợt 2 sau sạ 15-20 ngày để lúa nảy chồi tốt và tập trung, tạo nhiều bông sau này. Phun phân bón lá để hỗ trợ lúa nảy chồi nhanh bằng các loại phân có uy tín trên thị trường. Bón thúc đợt 3 sau sạ 45-50 ngày giúp đòng to khỏe và năng suất cao. Giai đoạn này nên sử dụng thêm các loại phân bón lá có hàm lượng Bo cao như Đầu Trâu 007 hay NatuBor để lúa trỗ đều, trỗ thoát và thụ phấn tốt vì vụ hè thu rất dễ xảy ra tình trạng bị nghẹn đòng, lúa trỗ lai rai, lúa trỗ gặp mưa, năng suất thấp. Giai đoạn nuôi hạt cần phun các loại phân bón lá có hàm lượng canxi cao nhằm giúp lúa chắc hạt, sáng hạt.
6- Phòng trừ sâu bệnh: Theo khuyến cáo của ThS. Hồ Văn Chiến, vụ hè thu thường áp lực sâu bệnh và cỏ dại rất mạnh do đó cần áp dụng phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp (IPM), không nên chỉ chú trọng trừ từng đối tượng riêng rẽ. Ngay đầu vụ, lúa thường bị bọ trĩ do thiếu nước hoặc hạn. Phun phân qua lá là cách hợp lý vừa giúp lúa phát triển, chống chịu tốt với bọ trĩ, vừa giúp giảm bớt áp lực thiếu nước, hạn. Giai đoạn giữa vụ do mưa, nắng xen kẽ nên khả năng sâu bệnh phát triển mạnh. Cần chú ý rầy nâu, sâu ăn lá và các loại bệnh khác. Giai đoạn cuối vụ thường bị bạc lá, khô vằn, lem lép hạt. Cần áp dụng phòng trừ theo phương pháp 4 đúng.
7- Phòng chống xì phèn và ngộ độc hữu cơ: Tình trạng ngộ độc hữu cơ xảy ra rất nhiều trong vụ hè thu do xuống giống ngay sau thu hoạch đông xuân và rơm rạ, thân lá để lại nhiều lại bị cày vùi ngay. Khi bị ngộ độc hữu cơ, rễ lúa không thể hút được dinh dưỡng nên cần phun ngay các loại phân Amino Axit có khả năng hấp thu nhanh qua lá như Protifert hay Đầu Trâu 005. Để khử độc hữu cơ, cần phun hoạt chất PenacP của Đức qua lá và kết hợp bón vôi, bón Indo Guano vào đất để khử độc rồi rút nước ngay đến khi đất nứt chân chim, oxi không khí xâm nhập vào, rễ mới bắt đầu mọc ra thì cho nước vào và bón phân tiếp. Nếu lúa bị xì phèn cần bón ngay phân lân kiềm tính và tan nhanh như Indo Guano, lân Đầu Trâu và vôi để khử. Khi bị xì phèn, rễ lúa rất yếu và hầu như không hấp thu được phân qua rễ nên cần cho ăn qua đường lá bằng cách phun hoạt chất PenacP của Đức kết hợp các loại phân bón lá cao cấp có Amino Axit như Protifert hay các loại tương tự để lúa vượt qua khủng hoảng, phát triển mạnh.
8- Quản lý nước: Vụ hè thu 2010 dự báo sẽ hạn nhiều nên cần có quản lý nước tốt. Nên để chế độ ngập và cạn xen kẽ. Những giai đoạn cần cạn là ngay sau sạ đến 5 ngày, từ 30-40 ngày, giai đoạn lúa chín sáp và trước thu hoạch 10 ngày. Các giai đoạn còn lại duy trì mực nước vừa phải khoảng 5cm. Đối với đất phèn, chỉ rút nước đến khi vừa ráo mặt, không để quá khô đến mức xì phèn. Các loại đất khác để đất bắt đầu nứt chân chim thì mới cho nước vào. Biện pháp quản lý nước này sẽ giúp rễ lúa ăn sâu, lúa cứng cây, chống đổ ngã tốt, chống chịu sâu bệnh tốt.
9- Thu hoạch: Vụ hè thu thường có mưa bão nên cần thu hoạch sớm để tránh thất thoát. Cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng Bo và Canxi cao như NatuBor và NatuCal hoặc Đầu Trâu 902 vào giai đoạn sau trỗ thoát đến chín sáp để có năng suất cao và lúa cứng cây, giảm đổ ngã, giảm rụng hạt.
Sử dụng phân bón Đầu Trâu chuyên dùng theo qui trình trên, chắc chắn lúa đạt năng suất cao.
Nguồn NongnghiepVietNam
Các bài viết khác...
- - Giống lúa mới BN3 thơm, kháng rầy
- - Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long: Lai tạo thành công nhiều giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu
- - đón đòng và nuôi hạt lúa đông xuân
- - Muỗi hành hại lúa và biện pháp phòng trừ
- - Chế phẩm sinh học khống chế bệnh vàng lá lúa
- - Cơ cấu giống lúa hợp lý
- - Giống lúa kháng rầy ML 214
- - Các giải pháp trồng lúa trên đất mặn
- - Sản xuất lúa hàng hoá theo GAP
- - Kỹ thuật “né rầy, ôm nước” trong phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...