Trồng mía lưu gốc: Giải pháp cho vùng lũ

Phụng Hiệp là vùng trũng, khi nước lũ đổ về là nông dân ồ ạt bán mía nên chữ đường trong mía thường rất thấp. Tuy nhiên, có không ít hộ trồng mía lưu gốc bằng cách làm bờ bao khép kín rẫy để bơm thoát nước, nên mía luôn bán được giá vì chữ đường cao.

Ưu điểm trồng mía lưu gốc là chỉ tốn nhiều chi phí ở vụ đầu, còn những vụ sau đầu tư rất ít vì không phải tốn tiền hom giống, công đào hộc và các chi phí khác. Trồng mía lưu gốc có lợi rất nhiều vì chủ động được thời gian thu hoạch, không bị thương lái ép giá khi phải đốn dồn dập chạy lũ. Tuy nhiên, mỗi người tự khép kín thì chi phí đầu tư đê bao, bơm nước rất cao nên rất cần có sự đầu tư hỗ trợ từ phía nhà nước. Chỉ tính riêng tại khu vực này đã có trên 100 ha nằm trong bờ bao khép kín, nhưng do không có trạm bơm nên hàng năm bà con phải bán mía chạy lũ thường bị mất giá, lợi nhuận không cao và cuộc sống vẫn còn nhiều bấp bênh.  

Ông Ba Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ) cùng ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương cũng có thời gian 4 năm trồng mía lưu gốc. Rẫy mía 1,4 ha của ông Sĩ giống DLM 24, những ngày qua đã bắt đầu cho thu hoạch giá từ 630-660 đ/kg được 260 tấn, thu về khoản lợi nhuận gần 94 triệu đồng. Do đã nhiều năm lưu gốc, mía bị cõi phải thu hoạch sớm để trồng lại nên bán ra bị mất giá so với các hộ bơm nước. Tại khu vực Kênh Tây này, ông Ba Sĩ cũng là người mở màng cho phong trào trồng mía lưu gốc và hiện tại đã có 9 hộ với 12 ha được áp dụng. Năm vừa rồi, nhờ bơm nước bán muộn để lưu gốc lại nên cuối vụ, gia đình bán được giá 460 đ/kg, lợi nhuận được 52 triệu đồng. Nhưng điều quan trọng là không phải tốn tiền để mua hom giống trồng lại vụ mới. Nhờ khép kín được diện tích, dưới các mương mía, ông Ba Sĩ còn tận dụng để thả 14 kg cá giống rô phi, hường đã có trọng lượng đạt 0,3 kg/con và dự kiến đến cuối năm này sẽ xuất bán. Sau đợt này, ông Ba Sĩ sẽ chọn lại các giống mía có chữ đường cao, để  trồng lưu gốc cho các vụ kế tiếp nhằm ít tốn kém chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận. 

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ Võ Văn Sơn cho biết, năng suất của vụ mía lưu gốc cao hơn vụ mía tơ từ 15-20%. Ngoài ra, trồng mía lưu gốc còn tiết giảm được chi phí mua hom mía giống, tiền công đào hộc khoảng 30% vốn đầu tư cho vụ trồng mới. Cái lợi của mía lưu gốc là kéo giãn được thời gian thu hoạch, gặp lúc thu hoạch rộ, giá mía cầm chừng có thể neo lại mà năng suất, chữ đường vẫn được tăng thêm. Sau khi thu hoạch xong, khâu xử lý cũng nhẹ nhàng hơn so với trồng mới, không bị đọng trong khâu mía hom, khan hiếm công đào hộc khi trồng đồng loạt. Đặc biệt, mía lưu gốc còn chín sớm hơn so với vụ mía tơ khoảng một tháng nên lúc nào chữ đường cũng cao hơn mía trồng mới.. Mía lưu gốc cái lợi trước mắt là nông dân ít tốn chi phí đầu tư, không phụ thuộc vào áp lực mía chạy lũ còn nhà máy vẫn có mía ép đều đặn, không gặp phải cảnh lúc thừa đầu vụ, nhưng lại thiếu thời điểm cuối vụ...

Nguồn Stp.vn