Sản xuất rau màu ở Vĩnh Long: Hướng đến an toàn, giảm chi phí và xuất khẩu

Tỉnh Vĩnh Long đang có khoảng 65.000 ha sản xuất lúa và 5.500 ha trồng cây màu các loại. Trong đó có 4.000 ha trồng khoai lang và 1.500 ha trồng các loại rau màu khác.

raumau.jpg

Nhờ xây dựng được các vùng chuyên canh rộng lớn và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, nên sản phẩm rau màu của Vĩnh Long chẳng những được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn được xuất khẩu.

Sản xuất an toàn, giảm chi phí

Theo lý giải của các nhà vườn trồng rau và giới kinh doanh, sở dĩ rau màu của Vĩnh Long có được thị trường tiêu thụ rộng lớn là do sản phẩm rau màu của Vĩnh Long rất đa dạng, việc tổ chức sản xuất tốt, linh hoạt đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nông dân trong tỉnh đã hình thành được những vùng sản xuất rau màu tập trung tại nhiều huyện như: Long Hồ, Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình... Không những thế, Vĩnh Long còn có cả những vùng chuyên canh một số loại rau màu nhất định như: vùng sản xuất cải sà lách son (ở Thuận An, Bình Minh), khoai lang (ở Tân Qưới, Bình Minh). Ngoài ra, Vĩnh Long cũng hình thành được nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn (RAT) với quy trình sản xuất theo hướng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), vừa an toàn cho người sử dụng và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Ông Phạm Văn Hùng, Cán bộ nông nghiệp UBND xã Phước Hậu, kiêm Chủ nhiệm HTX RAT Phước Hậu ở xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, cho biết: “Ngoài 30 xã viên của HTX với diện tích canh tác 15 ha, hiện trong xã còn có khoảng 100 ha trồng rau màu của bà con. Mỗi ngày người dân trong xã bán cho thương lái khoảng 3-4 tấn rau các loại, trong đó chủ yếu là các loại rau ăn lá và rau gia vị như: hành, ngò rí... Nhờ được các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đa số bà con đều biết áp dụng quy trình sản xuất IPM để tiết kiệm phân bón thuốc nông dược...”.

Do sản xuất tập trung, tiết kiệm chi phí giúp hạ giá thành sản phẩm, nên rau màu Vĩnh Long có thể cạnh tranh với rau màu ở các nơi. Mặt khác, việc tổ chức sản xuất tập trung và có các HTX điều hành tổ chức sản xuất, làm đầu mối tiêu thụ qua thương lái đến thu mua hàng và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu với doanh nghiệp, nên nông dân có lợi về giá và an tâm sản xuất. Anh Nguyễn Văn Phong, một hộ dân trồng rau màu ở ấp Tân Thới, xã Tân Bình, huyện Bình Tân, nói: “Ở đây trồng rau màu bán rất dễ vì có thương lái đến tận rẫy để thu mua. Chỉ có điều, phải tùy theo mùa, điều kiện chăm sóc và dự đoán nhu cầu của thị trường mà chọn loại rau màu thích hợp để trồng... 2 công đất của tôi vụ này trồng hành lá hết. Tôi rất phấn khởi vì giá hành lá đang ở mức khá cao, từ 600.000-700.000 đồng/tạ (60kg). Với năng suất trồng hành khoảng trên 35 tạ/công, sau khi trừ chi phí, vụ này tôi có thể lời trên 10 triệu đồng/công”...

Hiện nông dân tại nhiều vùng trồng rau chuyên canh trong tỉnh còn áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại để tiết kiệm chi phí, lao động và tăng năng suất. Tại làng sản xuất cải sà lách son Thuận An, xã Thuận An, huyện Bình Minh, vào mùa nắng này, để cải được tươi tốt, nông dân ở đây sử dụng nhà lưới che mát. Bên cạnh đó, để giảm công tưới nước cho cải, nhiều nhà nông đã đầu tư hẳn hệ thống phun tưới nước nhỏ giọt cho vườn rau. Ông Ngô Văn Vũ, ấp Thuận Thới, xã Thuận An, huyện Bình Minh làm nghề trồng cải sà lách được 18 năm. Hiện 1,5 công cải sà lách son của ông đều được đầu tư nhà lưới và hệ thống phun tưới nước nhỏ giọt. Ông Ngô Văn Vũ tâm sự: “Trước đây trồng loại cải sà lách son này rất cực vì phải tốn nhiều công để tưới nước và chăm sóc, muốn bán cải phải tự đem ra chợ. Những năm gần đây, nhờ tôi áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tiết kiệm được công tưới rất nhiều nhưng cải lại xanh tốt và trúng mùa hơn trước. Tôi cũng không còn phải đem rau ra chợ bán như hồi trước, do đã có các vựa thu mua cải đem đi tiêu thụ ở các nơi. Nhiều tiểu thương bán lẻ ở các chợ cũng đến tận vườn rau để mua hàng. Đầu tư mô-tơ và hệ thống ống tưới nhỏ giọt chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng/công, nếu trúng mùa, trúng giá người trồng cải sà lách son có lời từ 12-13 triệu đồng/công/vụ, còn thất cũng thu được 2-3 triệu đồng/công/vụ”...

Phục vụ cho xuất khẩu

Ông Thái Thành Triều, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tỉnh Vĩnh Long đang có hướng nâng hết các diện tích sản xuất rau màu trong tỉnh theo hướng sản xuất RAT và hướng mạnh đến thị trường xuất khẩu. Trong những năm qua, mặt hàng khoai lang và một số loại rau màu khác (như đậu bắp xanh) đã được xuất khẩu. Trong tỉnh đang có 5 HTX sản xuất RAT là Phước Hậu, Thành Lợi, Vũng Liêm, Tân Quới, Tầm Vu. Trong đó, hoạt động mạnh nhất là 2 HTX Thành Lợi và Phước Hậu. Hiện nay, nhiều HTX trong tỉnh đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu đầu ra cho rau màu của nông dân phục vụ xuất khẩu”.

Trong nhiều năm qua, HTX RAT Thành Lợi ở ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, được xem là một điển hình thực hiện khá tốt việc liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho rau màu của xã viên và nông dân trong vùng. HTX được thành lập tháng 10-2005, lúc đầu có 18 xã viên. Hiện HTX đã có 47 xã viên, tăng 22 xã viên so với năm 2008, với diện tích canh tác 34 ha. Ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX RAT Thành Lợi, cho biết: “Từ 4 năm nay, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COPIDEC) TP Hồ Chí Minh để đặt hàng nông dân sản xuất đậu bắp xanh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Công ty hỗ trợ cây giống, HTX quản lý, sắp xếp lịch xuống giống và tiến hành thu mua đậu bắp trái của nông dân rồi giao cho công ty”. Năm 2008, diện tích trồng đậu bắp xanh xuất khẩu tại xã Thành Lợi và 2 xã lân cận là Tân Bình, Tân Lợi là 50 ha thì năm 2009 tăng lên 60 ha. Giá bao tiêu thu mua đậu bắp hiện cũng tăng 400 đồng/kg so với năm trước lên ở mức 3.400-3.500 đồng/kg. Theo ông Lê Văn Trung, ngoài bao tiêu mặt hàng đậu bắp xanh, hiện HTX RAT Thành Lợi đang chuẩn bị ký hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu thêm nhiều mặt hàng rau màu khác. Cụ thể: ký hợp đồng với Công ty Thiết Lập ở Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long), mỗi ngày công ty này bao tiêu mua 9 tấn hành lá, 3 tấn rau om, 1 tấn ngò và 500kg ớt; ký hợp đồng với Công ty Phương Nam bao tiêu mua 10 tấn chanh dây/tháng...

Ông Lại Phước Hiếu ở ấp Bình Nhân, xã Thành Lợi, Bình Tân, đang trồng 1 công đậu bắp xanh, cho biết: “Tôi trồng đậu bắp theo dạng bao tiêu xuất khẩu được 3 năm nay. Với giá bao tiêu hiện nay, nếu đậu bắp đạt năng suất cao, người trồng có thể lời từ 3-6 triệu đồng/công. Trồng đậu bắp theo dạng bao tiêu với giá ổn định thì nếu giá ngoài thị trường tăng mình không được tăng theo, nhưng được cái là có mức thu ổn định, có thể ước lượng trước lợi nhuận được nên người trồng có thể an tâm phát triển với diện tích lớn mà không sợ bị rủi ro về giá”...

RAT đẹp về mẫu mã, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang là xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng hiện nay. Vĩnh Long đã và đang quyết định những hướng đi phù hợp với địa phương mình. Hy vọng rằng, những kinh nghiệm về trồng rau màu và tổ chức thị trường tiêu thụ ở Vĩnh Long sẽ là những bài học quý báu cho các địa phương vùng ĐBSCL trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo: www.nongthon.net