Cách phòng trị bệnh đốm đồng tiền

Trên những gốc cây mai vàng lớn tuổi trong các vườn mai chuyên canh ở chỗ chúng tôi thường hay bị một lọai đốm bệnh hình tròn hoặc hình bầu dục, có đốm chỉ nhỏ cỡ vài ly, có đốm cỡ đồng xu, nhưng cũng có những đốn lớn đường kính đến vài phân, mầu xám trắng hay xám xanh, loang lổ, có khi nhiều đốm hòa lẫn vào nhau bao kín cả gốc cây, cả cành cây. Xin cho biết đó là đốm bệnh gì? Chúng có làm hại cho cây hoa mai không? Nếu có thì làm cách nào để phòng trị chúng?

Bùi Văn Bé Bẩy
Phường Thạnh Lộc, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
Nguyễn Văn Tuân (Thống Nhất, Đồng Nai)

Trả lời: Qua mô tả của bạn, kết hợp với tình hình thực tếdomhoamai1.jpg mà chúng tôi đã có dịp quan sát được ở một số vườn mai của các “nghệ nhân” ở Phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi cho rằng  cái đốm bệnh trên cây mai vàng ở chỗ bạn là bệnh Đốm đồng tiền. Nếu bạn chịu quan sát thêm sẽ thấy là ngòai cây hoa mai ra thì bệnh này còn có thể gặp trên nhiều lọai cây thân gỗ khác, nhất là những cây ăn trái như: cam quýt, chôm chôm, nhãn, bưởi, mãng cầu, sầu riêng, mít, xòai...Ban đầu vết bệnh chỉ là những đốm rất nhỏ cỡ một vài ly, sau đó nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như ẩm độ trong vườn cao, thiếu nắng...thì chúng phát triển rộng ra. Vết bệnh đa số có dạng hình tròn hoặc hơi tròn như đồng tiền (nên gọi là bệnh đốm đồng tiền) hoặc hình bầu dục, mầu xám trắng hay xám xanh da trời (ảnh IV-10a, IV-10b). Theo thời gian vết bệnh cứ lan rộng dần ra xung quanh, nếu nặng nhiều vết sẽ hòa lẫn vào nhau tạo ra hình dạng bất kỳ, mầu sắc loang lổ vằn vèo như da hổ, cứ thế nhiều lớp chồng chất lên nhau làm cho lớp vỏ của cây mai dầy lên, có độ xốp giống như một lớp nhung bao quanh gốc cây mai. Đúng như nhận xét của bạn, khi cây mai còn nhỏ, cành lá chưa giao tán, vườn luôn được thông thóang, ẩm độ trong vườn thấp, điều kiện không thuận lợi nên bệnh không hoặc xuất hiện rất ít. Càng về sau cây càng lớn, tán lá giao nhau dầy đặc, bít bùng, tạo ẩm độ trong vườn cao, phía trong tán cây lại thiếu ánh nắng ... đã tạo thuận lợi cho bệnh phát sinh,  phát triển  mạnh.

Qua quan sát thực tế cho thấy bệnh này rất thích phát triển trên lớp vỏ cây đã già cỗi, cổ thụ một chút. Vì thế bệnh thường phát triển nhiều trên những gốc mai đã lớn tuổi, thuộc lọai cổ thụ. Theo chúng tôi có lẽ do lớp vỏ cây bị mục thích hợp cho bệnh phát sinh, phát triển. Ban đầu bệnh chỉ tập trung ở phần thân sát với gốc  cây là chính, về sau bệnh cứ phát triển dần lên các nhánh cấp 1, nhánh cấp 2...Do bệnh chỉ phát triển bên ngòai của lớp vỏ cây nên nhiều nhà chuyên môn cho rằng  có thể sẽ không gây hại trực tiếp cho cây, nhưng do chúng làm cho bề mặt của cây luôn bị ẩm ướt, vì thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nấm bệnh khác  tấn công, nhất là những lọai nấm bệnh thường tấn công ở vùng gốc. Ở một vài thân cây thuộc lọai cỗi, cổ thụ, thấy phía trên cây bị chết, khi bóc vỏ ra thì ngay chỗ bên trong  những đốm bệnh đồng tiền chúng tôi thấy lớp vỏ cây đã bị hư mục, có lẽ do điều kiện luôn ẩm ướt đã tạo điều kiện cho nấm bệnh khác tấn công.

Để phòng trị bệnh bạn  có thể tiến hành như sau

-Không nên trồng hoặc sắp xếp những chậu mai trong vườn qúa dầy, quá gần nhau để vườn mai thông thóang, khô ráo, dưới tán, dưới gốc cây nhận được thêm ánh sáng mặt trời, sẽ có tác dụng hạn chế bệnh phát sinh, phát triển. Đây có thể được coi là một trong những biện pháp  hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh.

-Thiết kế mặt liếp để trồng mai hoặt đặt chậu mai theo hình mai rùa, xẻ rãnh  thóat nước để nước không đọng lại trên mặt vườn trong mùa mưa để vườn luôn được khô ráo.

-Đối với những gốc mai đã bị đốm bệnh xuất hiện nhiều, dầy đặc bạn có thể dùng bàn chải cọ rửa sạch những đốm bệnh trên thân, trên cành.

- Có thể dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc Boóc đô 1% qúet lên thân cây vào đầu mùa mưa, cũng có tác dụng ngăn chặn bệnh xâm nhập, lây lan. Ngòai ra bạn có thể dùng một số lọai thuốc gốc đồng như Copper –B, Coc 85; Copper-Zinc hoặc Zinccopper... xịt ngừa lên những chỗ thường hay bị bệnh trên thân, cành./.