28 sản phẩm công nghệ mới về lĩnh vực môi trường

Chương trình Bảo vệ môi trường và Phòng tránh thiên tai giai đoạn 2001-2005 (mã số KC.08) đã tạo ra được 28 sản phẩm công nghệ mới. Ðó là các giải pháp tổng thể phòng, tránh thiên tai (lũ lụt, hạn hán, trượt lở đất, xâm nhập mặn, cháy rừng...); bảo vệ môi trường (mô hình làng nghề, trang trại, nông thôn thân thiện môi trường)... Các sản phẩm công nghệ của Chương trình đều được hoàn thiện dưới dạng thương phẩm, sẵn sàng chuyển giao cho các địa phương có nhu cầu.

28 sản phẩm công nghệ mới về lĩnh vực môi trường

Chương trình Bảo vệ môi trường và Phòng tránh thiên tai giai đoạn 2001-2005 (mã số KC.08) đã tạo ra được 28 sản phẩm công nghệ mới. Ðó là các giải pháp tổng thể phòng, tránh thiên tai (lũ lụt, hạn hán, trượt lở đất, xâm nhập mặn, cháy rừng...); bảo vệ môi trường (mô hình làng nghề, trang trại, nông thôn thân thiện môi trường)...

 Các sản phẩm công nghệ của Chương trình đều được hoàn thiện dưới dạng thương phẩm, sẵn sàng chuyển giao cho các địa phương có nhu cầu.

         1.Trong lĩnh vực phòng, tránh thiên tai, có 12 đề tài nghiên cứu các lĩnh vực về lũ, hạn hán, động đất, tai biến môi trường, xói lở, xâm nhập mặn và các biện pháp phòng, tránh  thiên tai.

          Ðiểm nổi bật của cụm đề tài này là sử dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp và cập nhật các phương pháp hiện đại trong nghiên cứu. Các đề tài về thiên tai đều có dự báo cho các cơ quan chức năng, các địa phương về các thiên tai có thể xảy ra trong các năm từ năm 2002 đến 2005.

         - Ðề tài "Nghiên cứu xây dựng giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả cháy rừng cho vùng U Minh và Tây Nguyên" (mã số KC.08.24), lần đầu đã xây dựng và hoàn thành về cơ bản phần mềm, quy trình dự báo cháy rừng.

          Hiện nay, phần mềm này đã được Cục Kiểm lâm ứng dụng thử nghiệm và có những kết quả dự báo ban đầu có độ tin cậy cao. Về mặt ứng dụng thực tiễn, đề tài đã đề xuất giải pháp giữ nước nhiều bậc, có điều tiết để phòng cháy rừng tràm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, phân vùng trọng điểm cháy rừng ở Tây Nguyên. Các sản phẩm khoa học của đề tài có ý nghĩa khoa học và được ứng dụng ngay trong quá trình thực hiện công tác dự  báo cháy rừng tại một số địa phương.

         2. Có 7 đề tài giải quyết các vấn đề về đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL):

             Trên địa bàn đã có nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu và triển khai theo mục đích phòng, tránh lũ và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên đây là vấn đề lớn và phức tạp cho nên các kết quả thu được mới chỉ dừng lại ở mức độ nhất định và phần lớn mang tính đặc thù cho các ngành.

             Hầu hết các đề tài đều tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao và sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại như tuyển chọn, kiểm định và đưa vào sử dụng các mô hình thủy lực có hiệu quả nhất hiện nay như: SAL, VRSAP; các phần mềm có tính truyền chất (độ mặn, ô nhiễm...) và được lập trên nền công nghệ thông tin hiện đại; ứng dụng nhiều mô hình thuật toán vào việc nghiên cứu diễn biến lòng dẫn, phục vụ dự báo xói lở, bồi tụ tại các khu vực nghiên cứu.

       3. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các đề tài của Chương trình KC.08 đã tập trung giải quyết các vấn đề môi trường mang tính vĩ mô, quy hoạch môi trường các vùng trọng điểm (ÐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung); mang tính cấp thiết về môi trường nông thôn và môi trường làng nghề, trang trại.

        - Các đề tài đã nghiên cứu lồng ghép vấn đề môi trường vào sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển bền vững vùng lãnh thổ (Tây Nguyên, vùng sinh thái đặc thù Quảng Bình - Quảng Trị, vùng kinh tế trọng điểm phía nam), lưu vực sông (các sông Ðà, Ba Côn, Lô, Chảy...).

        - 3 đề tài của Chương trình tập trung vào các vấn đề nông thôn, làng nghề, trang trại trên phạm vi toàn quốc. Lần đầu các vấn đề nói trên được nghiên cứu một cách tổng hợp theo các vùng sinh thái, địa hình và từ đó đưa ra được các bức tranh tổng hợp. Các đề tài đã phát hiện ra nhiều vấn đề môi trường đặc trưng hiện tại và những vấn đề bức xúc nhất hiện nay theo các vùng sinh thái đặc trưng, theo các loại làng nghề và dự báo xu thế phát triển của chúng trong giai đoạn tới.

         Các đề tài này đã đánh giá được tác động của một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở đó đề xuất được tổ hợp các chính sách và giải pháp cụ thể để quản lý môi trường bền vững.

         - Ðề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở các làng nghề Việt Nam" đã nghiên cứu định hướng tổng thể các chính sách nhằm phát triển bền vững làng nghề phù hợp hoàn cảnh Việt Nam, góp phần vào CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn và đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường các loại hình làng nghề phổ biến ở Việt Nam. Ðề tài đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cải thiện môi trường làng cho các loại hình làng nghề điển hình; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng tại các khu vực làng nghề thông qua mô hình trình diễn và các chương trình truyền thông; xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử môi trường làng nghề cả nước, băng hình, áp-phích, tờ rơi, giúp cho công tác quản lý môi trường làng nghề; đề xuất hệ thống chính sách phù hợp mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường khu vực làng nghề.

     4. Chương trình KC.08 có 9 đề tài tham gia nghiên cứu lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó có ba đề tài nghiên cứu các dạng tài nguyên cụ thể: đất, nước, khoáng sản ở Tây Nguyên. Nhiều đề tài đã xây dựng được các mô hình "kinh tế - sinh thái" phù hợp các hệ sinh thái nhạy cảm (vùng cát và gò đồi); vùng cát ven biển; mô hình trang trại nuôi tôm; mô hình quản lý bền vững lưu vực sông; mô hình kinh tế - xã hội của cụm tuyến dân cư vùng lũ; xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh học vùng và tỉnh.

          Phần kết quả quan trọng của các đề tài này là cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tài nguyên đã được số hóa trên một hệ thống bản đồ có tỷ lệ phù hợp. Ðây là những kết quả có thể sử dụng một cách lâu dài, có thể bổ sung, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

                                                                                                              Nguồn: "Báo ND điện tử",