Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc áp dụng công nghệ cao tạo ra nông sản đạt tiêu chuẩn năng suất, hiệu quả, chất lượng cao, an toàn, đẹp, có sức cạnh tranh, có thể sản xuất hàng loạt trở thành yêu cầu cấp thiết.

Vì vậy, vài năm gần đây, nông nghiệp Hải Phòng chú trọng hơn đến ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học...vào sản xuất. Năm 2004, ngành bước đầu thực hiện 2 dự án lớn, tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên tại Trung tâm phát triển nông- lâm nghiệp công nghệ cao với tổng kinh phí đầu tư hơn 22 tỷ đồng, và xây dựng vùng sản xuất rau an toàn vệ sinh thực phẩm quy mô 30,6 ha tại 3 xã Hồng Phong (An Dương), An Thọ (An Lão), Thuỷ Đường (Thuỷ Nguyên). Hai dự án này đánh dấu bước đi mới của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Qua thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khoa học trong ngành nhận thấy có một số vấn đề đặt ra mà Hải Phòng cần rút kinh nghiệm để có cách làm phù hợp hơn. Thành phố Đà Lạt là một địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hiện thành phố xây dựng mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic với quy mô 80 ha, cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng theo phương pháp truyền thống. Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao với 50 nhà lưới, vườn ươm giống, phòng nuôi cấy mô, xây dựng một số trang trại sản xuất rau an toàn với quy mô hàng trăm ha ứng dụng khoa học tiến bộ và công nghệ cao. Thành phố Hà Nội đang triển khai dự án khu nông nghiệp công nghệ cao trên 200 ha tại 4 địa điểm. Tuy vậy, qua vài năm xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các thành phố này đều gặp khó khăn trong nhân mô hình ứng dụng công nghệ cao ra đại trà. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mới dừng ở một vài đơn vị, doanh nghiệp, các trang trại quy mô lớn, chưa đi vào sản xuất của nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là các mô hình công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, phần lớn bà con nông dân không thể triển khai thực hiện nếu không có sự hỗ trợ của thành phố hoặc liên kết với các doanh nghiệp. Phần lớn địa phương khi ứng dụng mô hình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa linh hoạt, ứng dụng máy móc kỹ thuật hiện đại của nước ngoài.

Dưới góc nhìn của các nhà khoa học trong ngành, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cần phải ứng dụng linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện khí hậu và khả năng của từng địa phương. Ví dụ, trong khi các nước phương Tây do điều kiện khí hậu không thuận lợi, có mùa đông giá lạnh buộc phải sản xuất trong nhà kính với nhiệt độ ổn định thì Việt Nam, đặc biệt các tỉnh miền Bắc, có khí hậu 4 mùa thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, không nhất thiết phải xây dựng nguyên bản nhà kính, vừa tốn kém vừa lãng phí. Có thể hướng dẫn nông dân làm nhà lưới đơn giản chỉ che phía trên tránh mưa lớn và nắng gắt, còn 4 phía để thoáng hoặc sử dụng vòm che, màng phủ để trồng cây quanh năm. Như vậy, vừa tận dụng được ưu thế của khí hậu tự nhiên, vừa giảm giá thành khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất .

Các nhà chuyên môn nhận định, trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng còn ở quy mô nhỏ lẻ, mới dừng ở việc ứng dụng công nghệ cao trong một số mô hình, chưa nhân đại trà, chưa tạo được những vùng sản xuất một số sản phẩm đặc trưng, cho giá trị kinh tế cao bằng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Để việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp Hải Phòng đạt hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao với công nghệ tiên tiến, hiện đại, thành phố nên chú ý nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đại trà. Trên cơ sở quy vùng sản xuất nông sản hàng hoá lớn, các địa phương nên phối hợp với các nhà khoa học trong ngành hướng dẫn, vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Tại những vùng sản xuất này, nông dân có thể sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương như tre, gỗ, ni lông, màng phủ nông nghiệp, lưới màu bạc...làm nhà lưới, vòm che đơn giản trồng cây quanh năm. Các trang trại quy mô lớn có thể ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sinh học của Việt Nam như kỹ thuật trồng giá thể (trồng cây không cần đất), kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào... vào sản xuất nông sản hàng hoá. Tại các khu nông nghiệp công nghệ cao, thành phố nên ưu tiên sử dụng công nghệ sinh học của Việt Nam vì phù hợp với điều kiện địa phương; nếu ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến của nước ngoài phải ứng dụng linh hoạt, có thể sử dụng các nguyên liệu của Việt Nam thay thế trên cơ sở mô hình công nghệ ưu thế của nước ngoài. Trong quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nên chú ý liên kết giữa doanh nghiệp- nhà khoa học- nông dân... Công tác khuyến nông nên nâng cao một bước để công nghệ cao, khoa học tiên tiến đến được với nông dân thông qua các mô hình trình diễn, những buổi hướng dẫn kỹ thuật để từ đó bà con có thói quen ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đại trà.../

Nguồn baohaiphong.com.vn