Những mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Vài năm trở lại đây, hộ ông Lý Văn Danh ở ấp Xoài Côn, xã Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) trở nên khá giả, là một trong những gia đình điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu đồng.

Gần chục năm trước, cũng như nhiều hộ nông dân người Hoa, Khmer khác ở ấp Xoài Côn, ông Danh chỉ sản xuất độc canh cây lúa, mà khi đó chỉ làm được một vụ, vì vậy, tuy trong tay có 20 công ruộng (2,6 ha) để sản xuất nhưng gia đình ông vẫn thuộc diện nghèo khó. Chỉ đến khi được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đê bao, thủy lợi phục vụ nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, theo hướng đa canh, đa con, theo chủ trương của huyện, ông Danh bắt đầu tiên phong áp dụng mô hình này vào thực tế sản xuất ở địa phương. Sau khi được dự các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư và áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, ông nhận thấy chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn trái là mô hình khả thi nhất. Xoài là cây thích hợp với vùng đất này nên ông Danh chọn làm thử nghiệm. Bắt tay vào trồng xoài và nuôi cá ban đầu ông chỉ dám làm trên một phần nhỏ diện tích đất sản xuất để rút kinh nghiệm, sau khi thu hoạch, thấy lợi nhuận từ mô hình này là không nhỏ, ông đã mạnh dạn vay vốn Nhà nước để phát triển sản xuất hết 2,5 ha đất nhà. Với sự nhạy bén và tính toán sát thực tế, ông Danh tiến hành kết hợp nuôi cá, nuôi heo với trồng hành tím xen xoài cát theo phương châm lấy ngắn nuôi dài để đồng vốn sinh sôi không ngừng. Từ hiệu quả mô hình của hộ ông Lý Văn Danh, Hội nông dân xã Vĩnh Châu đang nhân rộng mô hình đa canh, trồng cây trái kết hợp chăn nuôi, trồng màu... này ra các hộ nông d ân tại địa phương.

* Nhờ khai thác tốt lợi thế về môi trường, nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào từ cây lạc, rơm, bắp, cỏ làm thức ăn cho chăn nuôi, Long An đã phát triển mạnh chăn nuôi bò sữa tạo công ăn việc làm mở ra hướng làm giàu cho nông dân ở nông thôn. Nhờ vậy phong trào nuôi bò sữa phát triển mạnh, năm 2001 đan bò sữa của tỉnh chỉ đạt 1.476 con, hiện nay đã lên tới 7.400 con, trong đó có 50% bò giống lai sind từ bò nền, còn lại bò giống FI, FII, FIII mua ở các tỉnh Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay hàng ngày bà con ở các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An cung cấp từ 42-45 tấn sữa tươi cho thị trường. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An đánh giá: Trong phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở tỉnh, trong đó mô hình nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu tính 1 chu kỳ cho sữa đạt 4-4,5 tấn/con/năm, với giá hiện nay 7.400 - 7.600 đồng/kg sữa tươi, trừ chi phí nông dân lãi 50% - 60%. Đó là chưa kể bình quân 3 năm bò sinh sản 2 lần, nếu là bò cái 1 tuổi ( 1 năm) bán từ 8-10 triệu đồng, bò đực 1,5 - 2 triệu đồng/con.

* Mỗi ngày sản xuất khoảng 1,1 vạn quả trứng với doanh thu trên 13 triệu đồng, thu lãi 800-900 triệu đồng/năm, đàn gà trong trang trại của anh Ngô Văn Ánh, 37 tuổi, ở thôn Long Lanh, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) quả là đã đẻ " trứng vàng ". Sản phẩm trứng gà của trang trại đang được tiêu thụ tại nhiều siêu thị ở Hà Nội và các địa phương khác. Trang trại của anh Ánh xây dựng từ năm 2007, diện tích 25.000 m2, trên khu vườn đồi cách biệt hẳn với khu dân cư và thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăn nuôi hiện đại từ bố trí, xây dựng chuồng trại đến nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn gà. Ông Nguyễn Công Cường, người trực tiếp quản lý, cán bộ kỹ thuật của trang trại dẫn chúng tôi đi thăm 2 dãy chuồng trại đang nuôi 1,2 vạn con gà đẻ siêu trứng giống ISA BROW do Công ty THHH Charoen Pokphand Việt Nam (Công ty CP, trụ sở ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội ) cung cấp. Khách đến đều phải thực hiện nghiêm việc vô trùng phòng dịch trước khi vào thăm chuồng trại. Chuồng được phân ra từng dãy riêng biệt, các lồng nuôi gà xếp liền nhau chia thành nhiều tầng, dọc theo các dãy lồng là các máng liền dùng chứa thức ăn, dẫn nước uống và máng gom trứng gà đẻ hằng ngày. Xen giữa các dãy chuồng, các bóng điện được lắp với khoảng cách đúng kỹ thuật để đảm bảo về ánh sáng và nhiệt độ trong chuồng.Hiện nay, trang trại thường xuyên sử dụng 8 lao động, thu nhập bình quân 1,2-1,5 triệu đồng/tháng; ngoài khách hàng lớn mua tiêu thụ ở các siêu thị còn có các khách hàng thường xuyên mua lẻ.

http://www.vietlinh.vn/