Chế tạo thành công vật liệu pô-li-me hút nước

Viện Nghiên cứu hạt nhân Ðà Lạt (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) đã nghiên cứu, chế tạo thành công vật liệu pô-li-me có khả năng hút nước 200 lần, không bị rữa, giữ nước tương đối ổn định, có thể ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng đất dốc, khô hạn.

Vật liệu pô-li-me có khả năng hút và trương nước là một trong những kỹ thuật ứng dụng khá phổ biến trong canh tác nông nghiệp trên thế giới hiện nay... Với các tác nhân khâu mạch khác nhau, sản phẩm tạo ra có khả năng hấp thụ nước rất cao từ 80 đến 600 lần đối với nước cất và 60 - 80 lần đối với nước muối sinh lý. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu, ứng dụng pô-li-me giữ nước trên lĩnh vực y tế, dược phẩm, đặc biệt là trong ngành nông, công nghiệp.

Tại Việt Nam, Viện Công nghệ hóa học cũng đã nghiên cứu thành công vật liệu giữ nước, giữ ẩm từ bã mía, mùn cưa có độ hấp thụ nước vài trăm lần, và đã được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại vùng đất ba-dan các tỉnh Tây Nguyên trên cây cà-phê, cây bông vải và cây bắp. Tuy nhiên, mức độ gắn kết giữa pô-li-me và các loại bột, sợi chưa cao khiến vật liệu bị thoát nước nhanh. Viện nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt đã ký hợp đồng với Công ty Vietsovpetro để mua sản phẩm pô-li-me tận thu dầu khí trong quá trình khai thác mỏ dầu ở ngoài khơi. Bằng kỹ thuật biến tính bức xạ gam-ma, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt đã nghiên cứu chế tạo được vật liệu pô-li-me giữ nước có khả năng tối ưu với độ hút nước 200 lần, không bị rữa, giữ nước tương đối ổn định, khắc phục được những nhược điểm của pô-li-me được chế tạo theo kỹ thuật thông thường.

Trưởng phòng công nghệ bức xạ Lê Hải, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt, cho biết, với kỹ thuật chiếu xạ ở liều chiếu tối ưu 10 - 20 ki-lô-grey, tại liều 0,9 và 7 ki-lô-grey thì sẽ xảy ra quá trình pô-li-me hóa bức xạ và biến tính bức xạ các hệ pô-li-me, từ đó tạo ra loại vật liệu mới pô-li-me có khả năng hút nước và trương nước phục vụ canh tác nông nghiệp. Trong thời gian đầu, nhóm nghiên cứu vừa hoàn thiện quy trình, vừa sản xuất sản phẩm bước đầu cho một số công ty như Công ty cổ phần mía đường La Ngà (100 kg), Công ty công nghệ sinh học Hưng Phát An - Gia Lai 250 kg. Tháng 4-2007, nhóm nghiên cứu hoàn tất kế hoạch nhập nguyên liệu và bắt tay vào sản xuất, cung ứng cho các cơ sở triển khai ứng dụng là Trung tâm khuyến nông Lâm Ðồng, Công ty TNHH Ðức Minh (Ðà Lạt), Công ty cổ phần mía đường La Ngà, Công ty công nghệ sinh học Hưng Phát An (Gia Lai) và Công ty TNHH Lương Nông (TP Hồ Chí Minh). Ðáng mừng là sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật đặt ra, đã tìm được địa chỉ tiêu thụ và được nông dân các vùng rau, hoa, cà-phê, tiêu, mía đường trên địa bàn Tây Nguyên tín nhiệm. Giá thành sản phẩm là 35.000 đồng/kg.

Sản phẩm của dự án  không gây tác động xấu đối với môi trường do những chất thải trong quá trình sản xuất và không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển đối với cây trồng. Theo ông Thân Tiếp, đại diện Công ty TNHH Ðức Minh (Lâm Ðồng), quá trình ứng dụng khảo nghiệm trên một số cây trồng Ðà Lạt cho kết quả tốt. Sản phẩm cũng góp phần giảm tỷ lệ nhiễm bệnh trên cây địa lan, cho kết quả tốt với cây cảnh như cây đỗ quyên hay cây trà my. Vật liệu pô-li-me trương nước thích hợp cho cây trồng trong nhà kính và cây ở những vùng đất khô nên là một lựa chọn thích hợp cho cây bông cúc, không chỉ giảm được chu kỳ tưới cho cây mà còn cho hoa thương phẩm chất lượng tốt, cây chắc và mập hơn, mầu sắc hoa tươi tắn. Quá trình thử nghiệm tại Quảng Ngãi, Gia Lai, Lâm Ðồng cho thấy, sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, được nông dân các vùng rau, hoa, cà-phê, tiêu, mía đường tín nhiệm.

Do dự án mới chỉ sản xuất ở quy mô thử nghiệm với sản lượng nhỏ,  cho nên, để ổn định quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm cần đầu tư trang thiết bị và các hệ thống công nghệ một cách hoàn chỉnh mới có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường và khách hàng. Tất cả những phát sinh trong quá trình đưa sản phẩm vào ứng dụng trên đồng ruộng sẽ được điều chỉnh dần. Theo các nhà khoa học nông nghiệp, sự thành công của dự án này hứa hẹn mở ra một cách thức canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp.

Theo: web báo Nhân dân