Nuôi trá tra vi sinh hướng sạch

Thời gian gần đây phong trào nuôi cá tra ở Vĩnh Long vừa phát triển mạnh, vừa chuyển hướng. Chuyển hướng từ dưới sông lên bờ, tức từ nuôi bè sang nuôi ao, thậm chí chuyển từ ven sông vô sâu trong đất liền. Hệ quả tất yếu là gây bức xúc về ô nhiễm môi trường, người dân phản ứng tập thể. Trước thực trạng đó đã nổi lên một mô hình nuôi cá tra hướng sạch ngay trên đất cù lao ven dòng Cổ Chiên.

“Của sông trả về sông”!

Có lẽ do mới phát triển và người nuôi chưa thật sự quan tâm đến ô nhiễm môi trường, nên hầu hết các ao nuôi đều cho nước thải trực tiếp ra sông rạch. Hơn thế là họ tiết kiệm diện tích nuôi nên hầu hết người nuôi cá hiện nay chưa hề xử dụng bể lắng lọc xử lý nước trước khi đưa ra môi trường.

Đối với chất cặn bã, đa phần người nuôi cá sử dụng phương pháp lắng xuống đáy ao rồi sau đó nạo vét theo định kỳ. Tuy nhiên, đôi khi tìm nơi thải cho chất cặn bã này lại là một nan giải. Người nuôi có đất vườn rộng rãi có thể hút lên bón cho cây. Riêng những người tìm đến vùng đất mới thuê hoặc mua đất thì giải pháp cho vấn đề này thường là…“của sông trả về cho sông”. Chất thải cặn bã lại tiếp tục trở thành gánh nặng cho các dòng sông, con rạch. Đấy là ven các dòng sông lớn, còn nuôi sâu trong đất liền, thải đâu? Giá cá tra vọt lên cao, nghề này được xem là “siêu lợi nhuận”, nên người nuôi thấy ở đâu có thể nuôi được là vô ngay, không theo định hướng quy hoạch nào cả. Tuy thế, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì diện tích cho phát triển nuôi cá theo định hướng quy hoạch vẫn còn, chỉ mất cân đối về vị trí vùng quy hoạch nuôi cá. Nuôi tự phát như thế, trước mắt có thể chấp nhận được nếu như tất cả đều được xử lý tốt về môi trường cho công đồng cư dân trong vùng.

Nghề nuôi cá tra phát triển mạnh, vừa mừng cũng vừa lo. Mừng vì nó giúp giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động, diện tích đất, nước được khai thác một cách hiệu quả, người nuôi tăng nhanh nguồn thu nhập. Lo vì vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Nuôi cá theo vi sinh

Trước thực trạng đó, mô hình nuôi cá tra của gia đình anh Ngô Quốc Huy (ấp Bình Thuận 1, An Bình, Long Hồ) lại nổi lên như một điển hình nuôi cá hướng sạch môi trường. Trên diện tích 4.000m2 mặt nước, anh không sử dụng biện pháp phổ biến hiện nay như nhiều người làm là tạo lắng đọng chất cặn bã xuống đáy ao, mà sử dụng chế phẩm sinh học của Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam. Một nét mới ở đây là trong ao của anh có lắp hệ thống quạt nước tạo ô xy cho cá như nuôi tôm công nghiệp vùng nước mặn ở Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh… Anh Huy nói: “Nhờ tăng lượng ôxy cho cá, nhất là vào buổi sáng, giúp cá tăng sức đề kháng, khỏe hơn, hấp thụ thức ăn tốt hơn. Bình thường một ngày có thể cho cá ăn 3 lần, nhưng với hệ thống tạo ô xy cho cá ăn liên tục 5- 6 lần cá vẫn ăn tốt. Mô hình chỉ mới áp dụng khoảng 5 tháng nay nhưng hiệu quả thấy rõ, nuôi cá mật độ dày, nhưng tần suất phát bệnh thấp. Đây là mô hình trình diễn nuôi cá theo vi sinh của Công ty TNHH Chăn nuôi CP Việt Nam”. Ao nuôi ở đây thời gian qua đảm bảo “đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản” theo xác nhận của Chi cục Thủy sản Vĩnh Long. Anh Huy đang hoàn tất thủ tục để lập trang trại tại khu vực này.

Mô hình nuôi cá theo vi sinh không chỉ đáp ứng điều kiện về vệ sinh môi trường, mà còn thỏa mãn yêu cầu về cá sạch (do hạn chế sử dụng kháng sinh) xuất khẩu đến các thị trường “khó tính” thời hội nhập.

http://www.agriviet.com