Hiệu quả từ mô hình nuôi cá lóc trong hộc

Mấy năm nay, mô hình nuôi cá lóc trong hộc đang được nhiều nông dân ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Phú (Châu Phú) quan tâm. Một số hộ dân đã mạnh dạn bỏ đất trồng lúa để chuyển sang đào ao nuôi cá vì nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, giúp ổn định đời sống.

Ít ai ngờ Đỗ Thanh Lâm vốn có đời sống hết sức khó khăn ở địa phương, vậy mà chẳng mấy năm, đã vượt qua ngưỡng nghèo để từng bước vươn lên, nhà cửa ngày một khang trang, con cái được học hành đàng hoàng. Đó là nhờ anh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Nhà Lâm có duy nhất 4 công đất ruộng trồng lúa, dù chí thú mần mụn đến mấy thì vụ nào cũng đều thiếu trước hụt sau vì gia đình đông nhân khẩu quá. Năm 1999, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật mô hình ương nuôi cá lóc trong hộc (do Hội Nông dân xã tổ chức) và đi một vòng khảo sát thực tế về hiệu quả kinh tế của mô hình này ở xã Vĩnh Hanh (Châu Thành), Lâm quyết định trích 2 công đất trồng lúa để chuyển sang đào hộc, nuôi cá lóc đầu vuông. Mỗi hộc ương cá có kích thước 3 x 4m, độ sâu 1 - 1,2m, chứa khoảng 8 khối nước/hộc. Lâm nói: “Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên nhiều rủi ro, tỷ lệ cá bị nhiễm bệnh cao, có khi cá chết đến 50%. Nhưng tui quyết tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà nông, cán bộ kỹ thuật nên bây giờ không còn phải lo lắng nữa. Tỷ lệ cá đạt đến khi xuất bán trên 80%”.

Đến nay, anh Lâm đã có được 36 hộc ương nuôi cá lóc giống, bình quân mỗi hộc xuất ra thị trường hàng năm từ 1,5-1,7 triệu con giống, với giá 120 đồng/con (cá lồng 5 ly). Tính ra doanh thu mỗi năm không dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Lâm, điều quan trọng hơn hết là trong mần ăn phải luôn chú trọng đến vấn đề uy tín, dù ương cá với số lượng lớn, song chất lượng cá giống của anh luôn đảm bảo. Mấy năm nay, anh còn chuyển sang nuôi cá lóc đầu nhím, vừa kinh tế hơn vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện cá lóc giống của anh được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Bến Tre… với gần 20 mối lái và trên 50 chủ hầm cá ở các nơi. Tính ra mỗi đợt giao cá giống trung bình từ 500.000-700.000 con/mối lái, tất cả đều được vận chuyển bằng xe tải, vậy mà có năm cá giống không đủ cung cấp ra thị trường. Lâm nhẫm tính: “Nếu so sánh giữa nuôi cá và trồng lúa, thì tôi thấy lợi nhuận nuôi cá cao hơn gấp 20 lần”. Theo kinh nghiệm của mình, anh chia sẻ: “Khi ương nuôi cá lóc con, việc phòng ngừa bệnh là quan trọng nhất. Nhìn cá ngớp bọt mà bong bóng không bể tức có hiện tượng bị bệnh nên cần xử lý bằng thuốc i-ốt để diệt ký sinh. Ngoài ra, hỗ trợ thêm cho cá bằng các men tiêu hóa, vitamin để tăng sức đề kháng… Riêng đối với cá giống bố mẹ khi nuôi không nên cho đẻ liền sẽ làm trứng yếu và phải nuôi cách ly”.

            Theo anh Phạm Văn Sáng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mỹ Quý, toàn ấp  có tổng cộng 78 hộ theo nghề ương nuôi cá lóc. Điều đáng mừng là nếu trước đây, bà con nuôi theo kiểu tự phát, rủi ro nhiều mà chi phí cũng cao thì từ năm 2009, nhờ học tập các tiến bộ khoa học-kỹ thuật nên giờ đã ổn định hơn rất nhiều. Anh Sáng nói: “Sắp đến mùa nước nổi, nhu cầu thị trường tăng hơn, chúng tôi phải chuẩn bị từ 400-500 cặp cá bố mẹ, với trên 200 hộc. Tới đây, Mỹ Quý dự tính tập hợp lại một số hộ chuyên ương nuôi cá lóc có uy tín để thành lập Tổ hợp tác lấy tên “Hải Ly” (tên cơ sở cung cấp cá lóc giống hiện nay của anh Đỗ Thanh Lâm), tìm đầu ra ổn định và phân phối lại cá giống có chất lượng cho người nuôi”.

http://www.baoangiang.com.vn