BMP- con đường phải đi cho con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thực hành các qui phạm về BMP (Better Management Parctices - cẩm nang hướng dẫn dành cho người nuôi), là con đường phải đi cho con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

“Thực hành các qui phạm về BMP (Better Management Parctices - cẩm nang hướng dẫn dành cho người nuôi), là con đường phải đi cho con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long”, đó là khẳng định của hầu hết đại biểu tại Hội thảo Quốc gia về “Phát triển các biện pháp nuôi tốt cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp - PTNT và Trung tâm nuôi trồng thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương (NACA) vừa phối hợp tổ chức tại An Giang , nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện dự án BMP tại ĐBSCL trong 3 năm qua và hướng đi sắp tới. 



Con cá tra Việt Nam là loài thủy sản đặc biệt đã được Chính Phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia nằm trong bản đồ thủy sản quốc tế. Riêng khu vực ĐBSCL với gần 10.000 ha thả nuôi, sản lượng chiếm 65% tổng sản lượng nuôi của Châu Âu, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD mỗi năm nhưng thực tế con cá tra ở ĐBSCL chỉ mới dừng ở mức tăng trưởng chưa thật sự phát triển bền vững bởi phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về con giống, thức ăn, môi trường, giá cả thị trường không ổn định, đặc biệt là có nhiều thông tin sai lệch về con cá tra làm mất lòng tin trong ngư dân dẫn đến tình trạng giảm diện tích nuôi, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu như hiện nay. 
 
Qua 3 năm áp dụng q ui trình BMP trong nuôi cá tra tại khu vực ĐBSCL đã giúp nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ thuật nuôi cho ngư dân, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, giảm dịch bệnh trên cá và tỷ lệ hao hụt thấp từ cá bột lên cá hương và giống đạt tỷ lệ sống từ 50% - 70%, giảm được giá thành cá nuôi thương phẩm khoảng 1.000 đồng/kg, tăng năng suất, góp phần tăng lợi nhuận mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: qui trình thả nuôi theo BMP có sổ sách ghi chép, giúp nông dân thay đổi tập quán nuôi và còn tạo tiền đề, định hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, là bước đi cần thiết để đạt đến tính bền vững, ổn định trong nghề nuôi cá tra tại các tỉnh khu vực ĐBSCL. 
 
BMP không phải là chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu mà là công cụ để tiếp cận tiến tới xác nhận tiêu chuẩn quốc tế hiện nay đang rất cần thiết cho chế biến xuất khẩu. Vì vậy theo Gs.Ts Sena De Silva - Tổng giám đốc mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương (NACA) hướng đi cho con cá tra ĐBSCL trong tương lai, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng hộ áp dụng qui trình BMP, tiến hành thành lập các tổ nhóm để có điều kiện sản xuất sạch, an toàn, đặc biệt là tiếp cận được nguồn vốn vay và rất cần thiết tiếp tục phối hợp của địa phương


Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, đây là nghề nuôi “độc nhất vô nhị” nhưng được nuôi trồng ở qui mô nhỏ lẻ, vì vậy trong thời gian tới các tỉnh nên tập hợp các hộ nuôi theo qui mô tổ nhóm. Bộ Nông nghiệp sẽ đưa ra nhiều chính sách đồng hành cùng BMP trong thời gian tới, đồng thời ban hành tiêu chí chứng nhận cho vùng nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm và đề nghị Vacsep và Hiệp hội Thủy sản các địa phương xúc tiến nhanh chóng thành lập “Hiệp hội nuôi trồng - chế biến xuất khẩu cá tra ĐBSCL”, các viện trường và BMP giúp ngư dân thành lập các dự án để tiếp cận với nguồn vốn vay của Chính phủ để tiếp tục duy trì và phát triển nghề nuôi để con cá tra đặc thủ của Việt Nam trở thành nguồn sống và là niềm tự hào của ĐBSCL cũng như của Việt Nam./.

http://www.agroviet.gov.vn