Những điều cần lưu ý khi nuôi cá rô đồng
Nuôi cá rô đồng theo hướng công nghiệp là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và rủi ro về dịch bệnh tương đối thấp. Những năm trước, người dân nuôi cá rô đồng phải 8-10 tháng mới được thu hoạch. Hiện nay với hình thức nuôi công nghiệp, chỉ sau 4-5 tháng cá đã đạt trọng lượng 10-15 con/kg. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả cao, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:
Chọn ao nuôi
Ao nuôi cá rô đồng tốt nhất rộng khoảng 500-1.000m2, gần nguồn nước sạch để dễ thay nước. Bờ ao nên rào lưới xung quanh để bảo vệ cá. Đáy ao bằng phẳng, dốc về một phía để dễ thu hoạch. Chiều cao mực nước ao khoảng 1,2-2m.
Chuẩn bị ao
- Đối với ao cũ: Trước khi thả cá 7-10 ngày, phải tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ quanh bờ ao, vét bùn, lấp hang, lỗ. Đối với ao mới, phải lấy nước ngâm, xả phèn nhiều lần.
- Bón 7-10kg vôi/100m2 để diệt khuẩn, cá tạp, ổn định pH; nên bón vôi cải tạo ao vào lúc trưa nắng để tăng hiệu quả. Phơi đáy ao 3-5 ngày. Đối với ao không có điều kiện tháo cạn nước, muốn diệt hết cá tạp, cá dữ, dùng rễ dây thuốc cá hoặc chế phẩm dạng bột có chứa Rotenon.
- Lấy nước vào ao qua túi lưới lọc mịn để ngăn cá tạp, địch hại, trứng cá vào ao nuôi. Kiểm tra các yếu tố môi trường đạt yêu cầu là có thể thả cá như pH 6,5-8,5; ôxy 3-8mg/l; nhiệt độ nước 28-30 độ C.
Thả cá giống
Đối với cá rô đồng, kết quả nuôi phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giống. Khi chọn mua giống cần lưu ý: cá có màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, không dị hình, trầy da, lở mình. Mật độ thả nuôi khoảng 15-30 con/m2. Để phòng bệnh cho cá nên tắm cá giống qua nước muối 2-3% trong 5-10 phút.
Cho ăn, chăm sóc, quản lý
Với hình thức nuôi công nghiệp, có thể cho cá ăn thức ăn viên suốt quá trình nuôi hoặc thức ăn tự chế từ nguồn phụ phẩm có nguồn gốc động vật. Lúc cá còn nhỏ, cho ăn thức ăn có hàm lượng đạm trên 30%, lượng thức ăn bằng 5-7% tổng trọng lượng cá, cho ăn 3-4 lần/ngày. Khi cá lớn, giảm dần hàm lượng đạm trong thức ăn nhưng phải đạt trên 25%, lượng thức ăn khoảng 2-3% tổng trọng lượng cá; cho ăn 2 lần/ngày. Mặc dù cá rô đồng sống được trong môi trường nước tù bẩn, hàm lượng ôxy hòa tan thấp nhưng khi nuôi với mật độ cao cần định kỳ thay khoảng 30% nước trong ao nuôi, sau khi thay nước xong dùng vôi bột và muối (lần lượt từng loại) hòa nước tạt đều khắp ao để phòng bệnh cho cá. Khi nuôi khoảng 4-5 tháng, cá đạt trọng lượng 10-15 con/kg là có thể xuất bán.
Ngoài những bước kỹ thuật cơ bản ở trên, khi nuôi cá rô đồng cần hết sức lưu ý các đặc điểm sau:
+ Nên nuôi bằng con giống nhân tạo và phải kiểm soát được nguồn gốc giống, tốt hơn thì có thể tự cho sinh sản con giống. Khi ương cá bột được 40-60 ngày thì có thể lọc lồng để cá tương đối đồng cỡ và chọn được đàn cá có tỉ lệ cá cái cao, nuôi như vậy thì cá mau lớn và năng suất cao.
+ Thức ăn phải đảm bảo hàm lượng đạm theo từng giai đoạn phát triển của cá.
+ Thức ăn của rô đồng có hàm lượng đạm rất cao, nước ao nhanh lên màu, nên thả ghép cá sặc rằn khoảng 10% hoặc trồng rau muống hay bèo, lục bình ở 1 góc ao.
+ Vào giai đoạn chuyển mùa và vào mùa mưa, định kỳ 2 tuần/lần dùng vôi bột rải xung quanh bờ ao, đồng thời ngâm vôi lấy nước tạt đều khắp ao để ổn định pH và phòng bệnh cho cá (lượng vôi ngâm là 1-3kg/100m3 nước).
+ Trong suốt quá trình nuôi, cần lưu ý giữ cho nước ao thật tốt để phòng bệnh cho cá.
Nguồn kinhtenongthon.com.vn
Các bài viết khác...
- - Nuôi cá lóc trong bạt nylon
- - Nuôi thủy sản mùa lạnh
- - Phát hiện 12 loài cá nước ngọt mới tại Việt Nam
- - Nuôi ghép cá thát lát còm với cá sặc rằn trong ao đất
- - Cho cá rô đầu vuông sinh sản nhân tạo
- - Hệ thống nuôi thủy sản sạch "ra mắt" tại Việt Nam
- - BMP- con đường phải đi cho con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long
- - Lưu ý khi nuôi cá kèo
- - Nuôi cá chạch thu 20 triệu/tháng
- - Điều trị bệnh liên cầu khuẩn ở cá rô phi đơn tính
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...