Dèo cá lóc thoát nghèo

Dèo là cắm cọc, quây mùng lưới dưới kênh, thả cá vào nuôi, không phải đào ao - tốn đất, đắp bờ- tốn công. Một dèo hơn chục mét vuông, thả nuôi khỏang 2.000 - 3.000 con cá lóc, sau 3 - 4 tháng, thu nhập 5 -10 triệu đồng.

Hướng đi mới

Từ quốc lộ 1A vào xã Thiện Mỹ (Châu Thành, Sóc Trăng), thấy dưới con kênh bên đường, nơi rải rác, nơi dày đặc dèo nuôi cá lóc. Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ Nguyễn Minh Hùng giới thiệu, hiện cả xã có chừng 150 dèo nuôi cá lóc, tập trung nhiều nhất ở ấp Đắc Thắng.

Tôi về ấp Đắc Thắng theo một con đường lát tấm đan, thấy dèo san sát dưới kênh. Một chàng trai có tên là Thạc, chủ của gần chục cái dèo, đang xay cá tạp cho cá lóc ăn. Anh Thạc dừng tay, hào hứng kể, anh nuôi cá lóc trong dèo đã bốn năm, giữ được cá giống ít hao hụt, nên một dèo kiếm được tiền lời sau mỗi lứa 3,5 tháng nuôi là 8-10 triệu đồng. Bây giờ, trên tuyến kênh này, nhà nào cũng có dèo nuôi cá, những hộ thiếu kinh nghiệm để cá giống hao hụt nhiều, mỗi dèo cũng lời 3 – 5 triệu đồng.

deocaloc1.JPG

Nhờ nuôi cá lóc bằng dèo, nhiều hộ đã có của ăn của để - Ảnh: Phan Thanh Cường

Trước hiệu quả đáng phấn khởi của việc nuôi cá lóc trong dèo, năm 2009 này, chính quyền xã Thiện Mỹ đã hỗ trợ 26 hộ nghèo ở ấp Mỹ Tân, mỗi hộ 2.000 con cá lóc. Lứa đầu vừa thu họach, mỗi hộ lãi 3 – 5 triệu đồng. Nay xã tiếp tục hỗ trợ 28.000 con cá giống cho 14 hộ nghèo khác nuôi dèo để thóat nghèo.

Ở thị trấn Ngã Năm (Ngã Năm, Sóc Trăng), con kênh Bang Long chảy qua ấp 3 và ấp 4 đang được gọi là “kênh thoát nghèo”. Dòng kênh ngàn đời dẫn nước sản xuất nông nghiệp, bây giờ thêm hình ảnh san sát dèo nuôi cá lóc. Ông Bùi Văn Huỳnh dẫn tôi ra mé kênh, chỉ ba cái dèo, vui vẻ kể: “ Năm ngoái, dạo gần Tết Nguyên Đán, một dèo tôi thu hơn một tấn cá, giá 30.000 đ/kg, tính ra lãi 15 triệu đồng. Vụ cuối năm là vụ chính, vì dễ kiếm thức ăn tự nhiên như ốc, cá tạp. Bình quân, để có một tấn cá lóc cần 3 – 4 tấn thức ăn, nếu tận dụng được thức ăn tự nhiên là lời nhiều. Bây giờ, trên con kênh này có gần trăm hộ nuôi cá lóc bằng dèo, ban đêm kéo điện sáng rực, rộn ràng như phố xá”.

Đi trên bờ kênh Bang Long, nghe tiếng cá lóc đớp mồi, quẫy đuôi, như nghe được sự ấm no náo nức. Ông Huỳnh Văn On ở ấp 3 đang chuẩn bị cho cá lóc trong dèo ăn, kể: Ông có bảy dèo, cá lóc nuôi vụ này đã gần ba tháng, mỗi ngày cần cả trăm ký ốc bươu vàng và cá tạp. Thức ăn cho cá lóc phải được băm nhỏ, tuy nhiên, theo cữ cá nuôi mà băm thức ăn lớn, nhỏ khác nhau. Vì vậy, trên bờ kênh Bang Long, hàng ngày rộn ràng tiếng băm thức ăn cho cá. Bên cạnh là từng nhóm kều ruột ốc bươu vàng khỏi vỏ. Ông On cười sảng khóai, nói: “Xóm ấp bây giờ vui như vầy. Trước đây, khi mới có vài hộ nuôi thì phải canh giữ, nay nhà nào cũng nuôi thì khỏi canh giữ nữa, tất cả tập trung cho mùa thu hoạch, kiếm tiền triệu chi xài”.

deocaloc2.JPG

San sát dèo nuôi cá trên kênh - Ảnh: Trương Ánh Hồng

Nhiều nhà phấn khởi

Ở ấp 3, thị trấn Ngã Năm, không khó tìm người nuôi cá lóc bằng dèo mà thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Em, một cựu chiến binh, đang nuôi bảy dèo với 21.000 con cá giống, cho biết, trước đây ông nuôi vịt và bị đứt vốn. Nhà cửa khi đó rách rưới không khác lều chăn vịt giữa đồng. Ba năm nay, nhờ nuôi cá lóc bằng dèo, ông cất lại được căn nhà ấm cúng. Ông On tính: Nếu tích cực kiếm được trong tự nhiên thức ăn cho cá, một dèo có thể lời đến 20 triệu đồng. Bình thường, vừa kiếm thức ăn tự nhiên, vừa mua, một dèo chỉ lời 7 – 10 triệu đồng. “Cứ nhìn dèo dưới kênh Bang Long của hàng trăm hộ, cũng biết hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá lóc bằng dèo ở đây”, ông On cười nói.

Nuôi cá lóc bằng dèo đã lan rộng nhiều nơi ở tỉnh Sóc Trăng. Về xã Long Hưng (Mỹ Tú), cán bộ xã cho biết, dèo dưới các dòng kênh cũng hơn trăm cái. Phát triển nuôi cá lóc bằng dèo, đến nay đang hình thành nhiều họat động dịch vụ, từ cung cấp cá giống đến thức ăn cho cá và thu mua. Ông Nguyễn Văn Mau ở xã Long Hưng vừa nuôi cá lóc bằng dèo vừa mở thêm dịch vụ cung cấp cá giống và thức ăn cho cá. Theo ông, thu nhập từ dịch vụ không thua nuôi cá.

Anh Thạc ở ấp Đắc Thắng, xã Thiện Mỹ, cũng đã mở thêm dịch vụ cung cấp cá giống và thức ăn cho cá. Anh Thạc còn kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật cho người mới nuôi.

Nhiều hộ ở xa kênh hoặc thiếu vốn, thiếu nhân lực để nuôi cá bằng dèo, thì đi kiếm thức ăn bán cho người nuôi cá lóc. Một ngày, một người kiếm được dăm ba chục nghìn đồng, có người giỏi giang kiếm được cả trăm nghìn đồng. Một số người làm công cho hộ có nhiều dèo, số khác mở điểm mua cá hoặc phục vụ mua, vận chuyển cá. Những nơi nhiều dèo, xóm ấp rộn ràng không khí thoát nghèo, làm giàu.

Theo: www.thuysanvietnam.com.vn