Hệ thống nuôi thủy sản sạch "ra mắt" tại Việt Nam

Hệ thống nuôi trồng thuỷ hải sản khép kín (CSA) đầu tiên đã có mặt tại Việt Nam. Mô hình này cho phép nuôi cá sạch chất lượng cao, đồng thời giảm được khí thải carbon.

Hệ thống nuôi thủy hải sản bảo vệ môi trường

Hàng thủy sản đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của nước ta. Hiện nay, thủy sản đông lạnh Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tạp chất trong quá trình nuôi hoặc chế biến khiến chúng ta rất lo ngại khi mang hàng "đi đánh xứ người".

Nuôi trồng thủy hải sản được xem là giải pháp nhằm giảm bớt sức ép từ việc khai thác. Song do việc thiếu quy hoạch và phát triển tự phát bởi các phương thức nuôi trồng thuỷ hải sản chủ yếu vẫn quảng canh, nên gây thu hẹp các diện tích đất ngập nước ven bờ, các hệ thống nuôi cá lồng làm ô nhiễm môi trường do nước thải chưa xử lý cùng thức ăn thừa đổ thẳng ra vùng nước.

Hệ thống CSA "ra mắt" tại Hà Nội hôm 18/10 vừa qua được coi là giải pháp để giải quyết tất cả dư chất, tạp chất, chất thải do hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ra cho môi trường.

CSA là một trong những hệ thống nuôi trồng thuỷ hải sản tiên tiến nhất trên thế giới, do ông Nitsan Yanovski - Giám đốc điều hành Quỹ Ampal International Ventures; Giáo sư Yoni Zohar - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học biển Hoa Kỳ và ông Asher Sadan - Quản lý cao cấp tại Việt Nam, nghiên cứu và sáng lập thông qua dự án SEMG. Đây là hy vọng cho ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản.  

Trang trại thuỷ sản đầu tiên của dự án SEMG sẽ được xây dựng tại Việt Nam có tổng diện tích 100.000m2, với sản lượng cá 500 tấn/năm, tăng lên 5.000 tấn/năm ở giai đoạn 3; sản lượng tảo 30 tấn/năm (giai đoạn 1), 150 tấn/năm (giai đoạn 3). Đối tác chiến lược là Đại học Quốc tế TP. Hồ Chí Minh và các nhà máy điện tại Việt Nam.

Hi vọng cho thủy sản xuất khẩu Việt Nam

Tháng 7 vừa qua, phía Nhật Bản phát hiện mặt hàng cá tươi đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang nước này liên tục vi phạm Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm.

Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản cho biết, đã phát hiện nhóm vi trùng đường ruột có kết quả dương tính trong sản phẩm của Công ty TNHH chế biến thủy sản và thực phẩm Thành Hải; dư lượng chloramphenicol có trong sản phẩm của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh và nhóm vi trùng đường ruột có kết quả dương tính trong sản phẩm của Công ty TNHH thực phẩm Anh Đào. 

Ngoài ra còn có rất nhiều cáo buộc hoặc những vụ phát hiện tạp chất, dư chất có hại trong hàng thủy sản Việt Nam... Hệ thống CSA sẽ giúp đảm bảo chất lượng thủy sản và nâng cao giá trị mặt hàng xuất khẩu vốn là thế mạnh của nước ta.

Hệ thống của dự án SEMG có thể giúp cá tăng trưởng gấp đôi cá được nuôi trong hệ thống lồng bè tiêu chuẩn. Tỷ lệ tăng trưởng được các nhà nghiên cứu so sánh như sau: nuôi bằng lồng bè truyền thống, thời gian để cá thương phẩm đạt từ 400 - 450g là 16 - 18 tháng; trong khi đó, nuôi theo hệ thống CSA, chu kỳ phát triển tương đương trung bình là 9 tháng, với hệ số chuyển hoá thức ăn cao hơn.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao, hệ thống nuôi của dự án SEMG còn có nhiều ưu điểm quan trọng khác: Như giảm chi phí thức ăn, có thể ít bị tác động bởi bão và thời tiết khắc nghiệt, an toàn về sinh học, không có chất thải thải ra ngoài. Hệ thống CSA có thể nuôi cả các loài cá phi bản địa, môi trường sinh trưởng hoàn toàn được kiểm soát. Lợi nhuận đạt được trong khoảng thời gian tương đối ngắn so với các hình thức đầu tư khác trong nuôi cá.

Công nghệ cũng như phương pháp nuôi tiên tiến và độc đáo của SEMG sẽ giúp chúng ta hướng đến việc xây dựng thương hiệu đạt giá trị cao nhất.

http://vea.gov.vn