Tạo chà cho tôm càng xanh

Trong ương và nuôi tôm càng xanh, chà hay còn gọi là giá thể có vai trò rất quan trọng. Chà tạo nơi cho tôm bám và trú ẩn, đặc biệt là lúc tôm lột xác, làm giảm hiện tượng ăn thịt nhau của tôm.

taocha.jpgTrong trường hợp đáy ao quá bẩn, tôm không thích sống ở đáy ao thì chà là nơi để cho tôm bám. Điều này giúp tôm giảm được bệnh tật do nền đáy gây ra. Trong bể ương với sự hiện diện của chà sẽ giúp tăng mật độ ương lên đáng kể mà tỷ lệ sống vẫn đảm bảo. Chà còn là nơi cho các loại rong, tảo, vi sinh vật, mùn bã hữu cơ tích tụ và phát triển lên và đây là thức ăn rất tốt cho tôm.

Thực tế, chà còn có vai trò quan trọng là hạn chế việc chài lưới, đánh cắp tôm. Tuỳ từng loại chà mà tác dụng của chúng lớn hay nhỏ. Trong ương tôm có thể dùng các tấm lưới nhựa, nilon hay sợi vải treo trong các bể ươm. Treo đứng sẽ hiệu quả hơn là treo ngang. Trong ương nuôi, các loại chà được dùng phổ biến là chà tre, lá dừa, chà bần… Các loại chà này rất tốt cho tôm vì tạo nhiều nơi cho tôm trú ẩn và thức ăn tự nhiên cũng phát triển nhiều hơn so với các tấm lưới nilon hay tấm nhựa. Các giá thể này dễ kiếm ở địa phương.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần lưu ý các loại chà này cần phải phơi kỹ và ngâm trong nước một thời gian trước khi sử dụng cho tôm vì có thể làm ô nhiễm nước nuôi tôm nếu còn tươi. Các loại cây có nhiều chất dầu hay chất chát thì không nên sử dụng ngay mà cần xử lý kỹ trước khi dùng. Các loại chà nên bó thành từng bó và cắm rải khắp ao, mương. Không nên cắm chà cao bằng và hơn mặt nước vì sẽ tạo điều kiện cho rong nhớt phát triển dày đặc trên chà.

Nguồn: Báo NN Việt Nam