Một số lưu ý khi nuôi tôm bằng nguồn nước tầng nông

Hiện nay, nguồn nước sông ô nhiễm từ rất nhiều nguyên nhân như chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp…

đã trở ngại hoạt động nuôi thủy sản của nhiều người dân ở Long An nói riêng và nhiều người nuôi trên cả nước nói chung. Chính vì vậy, việc tìm ra nguồn nước thay thế để nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết. Tại Long An, phong trào nuôi tôm bằng nguồn nước giếng tầng nông đang phát triển trong 2 - 3 năm trở lại đây. Bằng việc sử dụng nguồn nước này, người dân của tỉnh đã thành công với mô hình nuôi mới và cải thiện kinh tế gia đình.

Rất nhiều người nuôi phấn khởi khi nói về hiệu quả kinh tế của mô hình. Anh Đỗ Văn Đo, ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ cho biết, anh đã chuyển sang đào giếng khoan trong 2 năm trở lại đây. Trong vụ vừa rồi, với diện tích ao 4.000 m2, anh thả 150.000 post tôm sú, sau 4 tháng nuôi anh thu hoạch 1,7 tấn. Với giá bán 80.000 đồng/kg, anh có lãi 40 triệu đồng. Còn anh Phạm Văn Cành, ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh rất phấn khởi với kết quả vụ nuôi rồi anh có lãi 80 triệu đồng, sau 4 tháng nuôi tôm sú với diện tích 10.000 m2.

Tuy thành công trước mắt là như thế, nhưng nuôi tôm bằng nguồn nước giếng khoan là mô hình mới, đòi hỏi người nuôi có kinh nghiệm và am hiểu về kỹ thuật. Vấn đề này vẫn đang rất được nhiều người dân quan tâm. Theo Thạc sĩ Phạm Phú Hùng, giám đốc Trung tâm Thủy sản Long An, ngòai việc phải chọn giống tôm có chất lượng tốt, chuẩn bị ao, chăm sóc nuôi dưỡng đúng qui trình kỹ thuật thì khi nuôi tôm bằng nguồn nước giếng khoan, người nuôi cần phải lưu ý một số vấn đề chính sau:

Thứ nhất, người nuôi cần phải có ao lắng để trữ nước giếng khoan nhằm lắng lọc tự nhiên 3 - 5 ngày, sau đó xử lý EDTA liều lượng 2 - 3 g/m3sẽ đạt hiệu quả hơn. Lưu ý lấy nước tầng mặt và tầng giữa cấp cho ao nuôi, không nên sử dụng nước ở tầng đáy vì ở tầng này kim loại nặng lắng đọng lại nên hàm lượng kim loại nặng rất cao, cung cấp ao nuôi không tốt.

Thứ hai, cần phải quan tâm xử lý nước tốt và ổn định ở giai đoạn đầu trước khi thả giống nhằm đảm bảo tỉ lệ sống được cao hơn. Cụ thể duy trì pH từ 8 - 8.5, độ kiềm từ 80 - 120 mg/L, đặc biệt độ mặn từ 3 - 5 phần ngàn. Tuy nhiên trong suốt quá trình nuôi thương phẩm cũng không nên cung cấp lượng nước giếng khoan nhiều để nâng độ mặn cao vì thực tế cho thấy ở độ mặn cao, tôm nuôi chậm lớn hơn, chi phí để xử lý kim loại nặng sẽ tốn kém hơn.

Thứ ba, vấn đề rất nhiều bà con quan tâm hiện nay là làm thế nào để xác định nguồn nước có chất lượng tốt. Do đặc thù của từng vùng đất, tầng đất, tầng nước mà chất lượng nước giếng khoan có khác nhau. Để xác định chất lượng nước thích hợp nuôi tôm hay không, trước tiên người nuôi cần kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu như pH, độ mặn, độ kiềm và thử tôm bằng chính nguồn nước giếng khoan ở các tầng nước khác nhau để xem khả năng chịu đựng của tôm như thế nào để làm cơ sở chọn mạch hay tầng nước đó. Riêng hàm lượng kim loại nặng phải đem mẫu đi phân tích tại các phòng kiểm nghiệm tại TPHCM như Trung tâm phân tích thí nghiệm, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện NCNTTS II thì sẽ có khả năng đánh giá chính xác hơn.

Như vậy, hình thức nuôi tôm bằng nguồn nước giếng tầng nông bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tuy nhiên để mở rộng mô hình này, hiện nay việc vay vốn sẽ còn nhiều khó khăn. Để giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của họ, hy vọng các cấp, các ngành chức năng quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để người dân vay vốn sản xuất.

Nguồn: www.tiengiang.gov.vn