Thu tỉa tôm càng xanh trứng

Trong một đầm tôm thì tỷ lệ tôm đực và tôm cái tương đương nhau, tuy nhiên đối với tôm càng xanh, nếu trong cùng một thời gian và điều kiện nuôi giống nhau thì tôm đực sẽ có kích thước lớn hơn tôm cái nhiều.

Thực tế đã cho thấy, giá tôm thương phẩm phụ thuộc rất lớn vào kích cỡ tôm nuôi. Trong quá trình nuôi nhiều nông dân tìm cách thu tỉa dần những tôm cái mang trứng nhằm mục đích làm thưa mật độ, tăng tỷ lệ tôm đực ở cuối vụ. Việc thu tỉa bớt tôm càng xanh mang trứng đã được nhiều nông dân nuôi tôm ở Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng, tuy nhiên chủ yếu họ chỉ dùng phương pháp mò bắt bằng tay từng con một, rất tốn công và rất dễ làm bẩn nước gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm.

Một kinh nghiệm hay của anh Ngọc Lễ ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Anh Lễ đã có kinh nghiệm này từ năm 2001 đến nay bằng phương pháp hết sức khoa học, hiệu quả là dựa vào ánh sáng của đèn điện và đặc tính hướng quang của tôm càng xanh cái lúc mang trứng.

Anh Lễ cho biết: Mỗi năm anh nuôi 1 ha tôm càng xanh theo mô hình luân canh 1 vụ lúa đông xuân và một vụ tôm. Anh thường thả tôm vào cuối tháng 4 dương lịch, sau khi nuôi được 4-5 tháng thì những tôm cái bắt đầu mang trứng và chậm lớn, anh tiến hành thu tỉa bán lúc này thường có giá khá hấp dẫn.

Anh chia sẻ kỹ thuật thu tỉa tôm mang trứng như sau: 1 ha nuôi tôm ta có thể treo khoảng 4-6 bóng đèn điện (bóng đèn tròn sẽ tốt hơn), vào khoảng 8-10 giờ tối hầu hết những con tôm càng xanh mang trứng đều tập trung quanh nơi ánh sáng của bóng đèn, đặc biệt là những tôm trứng sắp nở (tôm trứng có mày nâu đến màu xám xanh). Sau đó dùng chài để bắt khoảng 1-2 lần thì đến khi thu hoạch sẽ còn hầu như toàn tôm đực, kích thước tôm lớn, đồng đều. Với thời gian 7-8 tháng, 1 ha thả mật độ 10 tôm post/m2 có thể cho thu 1 tấn/vụ nuôi.

Nguồn www.nongnghiep.vn