Để tăng năng suất sản xuất giống tôm càng xanh

Trong thời gian gần đây, các tỉnh ở ĐBSCL được Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực nhằm cải thiện hơn nữa năng suất và tăng hiệu quả nuôi tôm càng xanh. Vì giống tôm đực này sẽ tăng trọng nhanh và có kích thước lớn hơn tôm cái trong cùng thời gian và điều kiện nuôi giống nhau. Kỹ thuật tạo ra được tôm càng xanh toàn đực được thực hiện bằng kỹ thuật vi phẫu để loại bỏ tuyến sinh dục đực nằm ở gốc đôi chân bò thứ năm của những tôm đực khi chúng còn giai đoạn rất nhỏ. Sau đó nuôi đến khi thành thục thì những tôm đực được vi phẫu này sẽ biến thành những tôm cái giả. Những tôm cái giả này mang trứng, giao phối với những con tôm đực bình thường để sinh ra đàn tôm toàn đực. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, kỹ thuật này còn nhược điểm: Tôm cái giả đẻ trứng rất ít (khoảng  1/3 - 1/5 sản lượng trứng của tôm cái bình thường), tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở của trứng từ những con cái giả này rất thấp so với tôm cái bình thường nên giá thành sản xuất tôm giống toàn đực rất cao, lượng giống tạo ra không đáp ứng nhu cầu giống cho người nuôi.

Trước mắt, để cải thiện năng suất nuôi tôm càng xanh, các nhà chuyên môn khuyến cáo người nuôi nên tăng mật độ nuôi từ 3- 4 con/m2 như trước đây lên 9- 10 con/m2. Sau khi nuôi khoảng 4 tháng, tiến hành thu tỉa  những tôm cái mang trứng (do tôm cái chậm phát triển khi mang trứng) như thế sẽ mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Theo www.baovinhlong.com.vn