Nuôi tôm bằng nước giếng

Ở xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú,  hộ anh Nguyễn Văn Nghĩa và ông Cù Lưu Dính đã lập vuông nuôi tôm càng xanh. Có kinh nghiệm 9 năm với 16 vụ nuôi tôm cùng cha nhưng liên tiếp hai vụ tôm vừa rồi, do nguồn nước ngoài sông đưa vào vuông tôm bị nhiễm các loại thuốc hóa học từ ruộng lúa thải ra nên con tôm sốc nước, bị chết hàng loạt, anh Nghĩa phải bán gấp lúc mới nuôi được 3 tháng. Khi Nhà nước có chủ trương bao đê làm lúa 3 vụ, anh nghĩ cần phải tìm kiếm nguồn nước phù hợp hơn với con tôm. Được biết ở Phú Tân có người khoan giếng lấy nước nuôi tôm, phát triển rất tốt, anh liền tìm đến học hỏi và về áp dụng ngay vào vuông tôm nhà mình.

 

1nuoitom.jpg

Anh Nguyễn Văn Nghĩa bên vuông tôm nhà mình.

                              

Hiện nay, anh Nghĩa đã ra làm riêng với 2 vuông tôm diện tích 12.000 m2. Mỗi vuông anh khoan một giếng 4 triệu đồng, sâu 48m và trang bị một máy bơm nước trị giá 10 triệu đồng. Khi khoan giếng xong, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Phú đã vào khảo sát và lấy mẫu nước giếng về kiểm nghiệm, kết quả cho thấy nguồn nước rất tốt, độ mặn trên một phần ngàn, độ pH 7,5, độ kiềm 110 mg/l CaCO3 phù hợp với sự phát triển của con tôm. “Trước mắt, con tôm nuôi bằng nước giếng phát triển rất mạnh”. Anh Nghĩa phấn khởi cho biết. Rồi anh say sưa kể cho chúng tôi nghe về ưu điểm của nước giếng là không cần phải tốn chi phí, chỉ tốn công rải vôi nóng sau khi bơm nước giếng lên vuông do độ pH đã ổn định. Khi sử dụng nước giếng nuôi tôm, anh bố trí nuôi trái vụ để vừa bán được giá vừa không phải cạnh tranh với tôm nuôi từ nguồn nước thiên nhiên.

Không giấu nghề, anh kể rành mạch từ khâu dọn vuông trước khi thả con tôm post cho đến cách thức cho con tôm ăn như thế nào để không bị thiếu hay thừa thức ăn. Thường một vụ nuôi tôm kéo dài hơn 5 tháng, sau khi đã vét bùn dưới đáy vuông, xử lý bằng vôi nóng, anh bơm nước giếng lên vuông cho đến khi mực nước trong vuông được chừng 1,6 m thì ngưng. Sau đó, anh tạt Sta để xử lý kim loại nặng, 1 gói/ vuông, chờ 24 giờ tiếp tục xử lý nước bằng US – YU với chai 1.000 cc, anh tạt được 10.000 m3, tính ra một vuông tôm anh tạt hết 1,5 chai. Sau 24 giờ, anh tạt X5 để xử lý vi sinh làm sạch đáy vuông. Hiện nay, lứa tôm càng xanh đang nuôi được gần 4 tháng và đang phát triển rất mạnh. Nuôi tôm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Thời tiết, nguồn nước, con giống, thức ăn…  và còn phải biết cách cho ăn sao cho vẫn đủ cung cấp thức ăn cho tôm lớn nhưng vẫn đảm bảo không bị thừa, vì nếu dư thức ăn sẽ lắng xuống đáy ao làm ô nhiễm nguồn nước, không có lợi cho sự phát triển của con tôm.

           Vụ này, anh Nghĩa thả 215.000 con tôm càng xanh, theo ước tính sẽ thu hoạch được khoảng 3 tấn, với giá thành từ 130.000- 140.000 đồng/ kg tôm, anh thu khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 200 triệu đồng.

            Anh Nguyễn Duy Danh (Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) cho rằng: Đây là mô hình mới ở địa phương, nếu bà con có khó khăn gì về kỹ thuật, về môi trường nước… thì địa phương sẽ hỗ trợ. Mô hình nuôi tôm bằng nước giếng không gây hại cho môi trường và không gây ảnh hưởng xấu cho ruộng lúa, lại được các nhà máy, xí nghiệp đông lạnh thu mua nên sẽ không sợ chuyện không tìm được đầu ra…

http://www.baoangiang.com.vn