Kỹ thuật nuôi cá sấu
Việc chăn nuôi là do tự phát và việc quản lý, bảo vệ, phát triển vẫn còn ngoài phạm vi chức năng của các ngành Nhà nước; các hộ chăn nuôi chủ yếu là học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ơở Tiền Giang ngoài Xí nghiệp nuôi trồng dược liệu Quân khu 9 (trại rắn Đồng Tâm) nuôi với số lượng lớn để làm điểm tham quan. Một số hộ dân nuôi "cảnh" vài ba con. Bên cạnh đó còn có một số hộ nuôi cá sấu mục đích làm kinh tế với số lượng lớn từ vài chục con trở lên. Trong số đó có ông Mười Chơi ở xã Hữu Đạo huyện Châu Thành, trại nuôi cá sấu của ông có 115 con.
Nguồn thức ăn rẻ tiền
Đây là điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh tế. Con trai ông Mười Chơi - anh Nguyễn Văn Tám kể lại: Năm 1996 hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về việc bảo tồn động vật hoang dã quí hiếm, qua tham quan các trại nuôi cá sấu lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Minh Hải, ông Mười và các con bàn bạc thống nhất xây dựng trại nuôi cá sấu gia đình. Người anh lớn liên hệ Công ty Lâm sản TP. HCM mua 114 con cá sấu Xiêm và 1 con cá sấu Cuba của người bạn, số cá sấu con này có chiều dài 70-90cm, giá 1,5-1,6 triệu đồng/con. Nhờ điều kiện chăn nuôi, chăm sóc, thức ăn khá đầy đủ nên đàn cá sấu lớn rất nhanh. Đến nay thời gian chăn nuôi 18 tháng đã có 70 con tăng trưởng chiều dài đến 2 mét, trong đó có 1 con dài 2,4m; số còn lại dài từ 1,7-1,9m. Một trường hợp tăng trưởng khá lý tưởng. Nguồn thức ăn cung cấp cho cá sấu chủ yếu là cá biển, đây là thức ăn rẻ tiền nhất. Hiện nay chu kỳ cho cá sấu ăn là 5 ngày 1 lần, số lượng 130kg cá trau tráu, cá nục, bạc má còn tươi được chủ tàu đánh cá ở Mỹ Tho chở đến tận nơi giá trung bình 3.600 đ/kg. Số lượng n12ày duy trì từ 6 tháng qua và đủ đáp ứng những hàm răng lởm chởm háu ăn. Tính ra chi phí thức ăn mỗi tháng cho đầu sấu là 2,8 triệu đồng, bình quân mỗi con chỉ 24.000 đồng.
Đặc điểm sinh học - Điều kiện chăn nuôi
Khu chuồng trại nuôi cá sấu của ông Mười có diện tích 180 m2 có xây rào cản xung quanh bằng gạch và căng lưới thép. Bên trong chia làm 2 ngăn có rào chắn phân biệt nuôi riêng sấu lớn và sấu nhỏ. Vì cá sấu là loài rất hung dữ, con nhỏ rất sợ những con lớn, nếu nuôi chung sấu lớn sẽ dành hết thức ăn của sấu nhỏ. Mỗi ngăn chuồng có hồ nước xây bằng xi măng sâu 1,2m, khoảng đất trồng cây tạo bóng mát có diện tích mặt đất tạo độ ẩm và khoảng sân xi măng để sấu nằm phơi nắng. Loài bò sát không có thân nhiệt nhất định mà có thể tự điều tiết thay đổi phù hợp theo môi trường. Tuy nhiên đối với cá sấu sự thay đổi này có giới hạn, nhiệt độ thích hợp cho chúng từ 28-30 độ C. Vì vậy chúng trầm mình dưới nước là cách làm giảm thân nhiệt và nằm phơi nắng là để tăng thân nhiệt. Một hình ảnh quen thuộc của cá sấu là nằm bất động há rộng miệng bày đôi hàm răng kinh khiếp. Đây không phải là hình thức đe dọa mà chỉ vì da cá sấu rất dày, không có tuyến mồ hôi nên chúng phải há miệng để bài tiết hơi nóng ra ngoài. Do những đặc điểm trên mà chuồng nuôi cá sấu phải hội đủ 3 điều kiện: có hồ nước dốc thoai thoải, có chỗ nằm phơi nắng và có bóng mát. Ngoài tác dụng làm hạ thân nhiệt, hồ nước còn là môi trường để cá sấu giao phối và giúp bảo vệ mắt cá sấu. Vì cá sấu khi lên cạn giác mạc rất dễ bị khô.
Nhìn hình dáng bên ngoài rất khó phân biệt sấu đực, cái nhất là lúc còn nhỏ. Cách hay nhất là khám bộ phận sinh dục bằng cách cột chặt và đặt sấu nằm ngửa. Cá sấu nhỏ khi ấn tay dưới lỗ huyệt và đẩy đuôi sấu cong lên, nếu con đực dương vật sẽ lộ ra ngoài. Đối với sấu lớn, ấn ngón tay vào trong lỗ huyệt và di động qua lại, nếu con đực ngón tay sẽ chạm chiều dài dương vật bên dưới da. Cá sấu là loại động vật hoang dã tuy nhiên sống trong môi trường chăn nuôi với số lượng lớn cũng có thể mắc một số bệnh như thấp khớp, tiêu chảy, nhất là bệnh do một loại ký sinh trùng gây ra. Các tuyến trùng này đục thành những đường ngầm ở bên trong lớp vảy bụng, sau đó bề mặt các đường ngầm này bong ra tạo thành những đường lõm ngoằn ngoèo khiến bộ da mất hết giá trị. Do cá sấu là động vật cực kỳ hung dữ khó đến gần, nên việc chẩn và trị bệnh rất khó khăn. Chủ yếu phòng bệnh bằng cách cung cấp thức ăn không hư thối, giữ nước sạch, chuồng trại khô ráo đảm bảo vệ sinh. Hồ nước phải có điều kiện tháo và đưa nước vào dễ dàng. Mùa nắng thay nước 1 tuần/lần, mùa mưa 4 ngày/lần. Thỉnh thoảng rút cạn nước, phơi đáy hồ dưới ánh sáng Mặt trời để diệt mầm bệnh. Sau mỗi lần cho sấu ăn, 3 người con trai lớn của ông Mười vào chuồng, 2 người cầm 2 cây sào dài có quấn cao su ruột xe ở đầu dí cho sấu xuống hồ để 1 người thu dọn thức ăn thừa và phân.
Nguồn lợi kinh tế
Trên thế giới da cá sấu là một mặt hàng rất có giá trị dùng để sản xuất các vật dụng: xắc tay, ví bỏ túi, thắt lưng, giày dép, va li... dành cho giới lắm tiền. Đặc biệt lớp da bụng là phần giá trị nhất. Do đó cá sấu trong hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng vì sự săn lùng của con người. Riêng cá sấu hoa cà Crocodine porosus ở nước ta đang trở nên rất hiếm. Vì vậy nuôi cá sấu, ngoài mục đích bảo tồn loài động vật hoang dã quí hiếm còn là nguồn lợi kinh tế; đặc biệt thích hợp vùng ven biển do lượng thức ăn (cá) có nhiều, giá rẻ. Tuy nhiên đầu tư nuôi cá sấu, ban đầu đòi hỏi khá tốn kém. Giá mua 115 con giống là 178 triệu, chi phí xây dựng chuồng trại hơn 30 triệu, tổng cộng ông Mười Chơi đã bỏ vốn ra 208 triệu đồng chưa tính chi phí thức ăn. Theo anh Tám, có nhiều chủ trại cá sấu ở TP. HCM đến mua lựa những con từ 2 mét trở lên với giá 10 triệu đồng/con nhưng gia đình không bán. Ông Mười dự kiến khi cá sấu trưởng thành (4-5 năm tuổi) bắt cặp giao phối sẽ chuyển sang khu chuồng trại kế bên (diện tích khoảng 200 m2) để nuôi sinh sản. Theo chúng tôi được biết hiện nay Nhà nước chưa có văn bản qui định cho phép xuất khẩu da cá sấu. "Đầu ra" của chăn nuôi cá sấu hiện nay chỉ là bán con giống trong nước.
Phong trào nuôi trăn đã là một bài học báo trước khủng hoảng thừa khi chưa tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định. Điều mong mỏi của hầu hết những người chăn nuôi hiện nay là Chính phủ cần sớm có văn bản qui định việc xuất khẩu động vật hoang dã phát triển trong môi trường chăn nuôi. Có như vậy thì phong trào chăn nuôi động vật hoang dã quí hiếm như hươu, trăn, cá sấu mới trở thành ngành kinh tế mạnh tạo thu nhập cho người dân và thu hút ngoại tệ cho nước nhà.
Nguyễn Long
Nuôi cá sấu nước ngọt ở Việt Nam: Phải tuân thủ hành lang pháp lý
SGGP - 10/10/2002
Theo thống kê từ Cục Kiểm lâm, hiện nay nước ta có 75 trại và hộ gia đình nuôi cá sấu nước ngọt sinh sản có đăng ký với cơ quan kiểm lâm địa phương. Nhưng hầu hết các trại và hộ gia đình nuôi ở quy mô nhỏ, từ vài con đến vài chục con, một số rất ít nuôi với số lượng trên ngàn con. Mới đây, có nguồn tin cá sấu Việt Nam sắp được phép xuất khẩu, người dân liền đổ xô nhau đi mua cá sấu với giá rất đắt từ 700.000-800.000đ/con mới nở mà hoàn toàn không đòi hỏi người bán cung cấp giấy tờ để chứng minh nguồn gốc. Động thái này lại một lần nữa tiếp tay tạo ra một thị trường trôi nổi trong nước và vẽ nên một bức tranh lộn xộn về phong trào nuôi cá sấu nước ngọt ở nước ta manh mún, thiếu thông tin thị trường và hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái mua gom xuất lậu bằng con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Con đường xuất khẩu bấp bênh này không phải là đầu ra hứa hẹn cho ngành xuất khẩu cá sấu Việt Nam.
Cá
sấu nước ngọt (có tên khoa học là Crocodylus siamensis) đã được đưa vào
nhóm IB Nghị định 48/2002/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 4
năm 2002 và phụ lục 1 của Công ước Cites (công ước về buôn bán quốc tế
các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) mà Việt Nam là thành viên
chính thức. Cả hai văn bản này đều quy định cấm đánh bắt từ tự nhiên cá
sấu nước ngọt vì mục đích sử dụng hoặc xuất khẩu. Trường hợp muốn khai
thác để gây nuôi sinh sản phải được phép của Thủ tướng Chính phủ (do Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất). Theo các quy
định này, việc xuất khẩu cá sấu nước ngọt chỉ được thực hiện khi đáp ứng
các yêu cầu sau:
- Có trại nuôi sinh sản được đăng ký với chi cục kiểm lâm địa phương.
- Có sản phẩm từ F2 trở lên (thế hệ F1 là con của cặp bố mẹ được đánh bắt từ tự nhiên (F0), nuôi trong trại nuôi có kiểm soát phối giống sinh ra. Thế hệ F2 là con của cặp bố mẹ F1, giao phối sinh ra trong trại nuôi có kiểm soát).
- Trại nuôi có đăng ký với Ban thư ký Công ước Cites, do cơ quan thẩm quyền quản lý Cites - Việt Nam đề xuất theo đúng quy định của Công ước Cites.
- Có quota xuất khẩu được Ban thư ký Công ước Cites phê chuẩn.
- Chủ trại phải có trách nhiệm ghi chép, lập hồ sơ theo 15 tiêu chí của Cites.
Hiện nay, tại Việt Nam, cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam đã xây dựng đề xuất đăng ký 5 trại nuôi cá sấu nước ngọt xuất khẩu trình lên Ban thư ký Công ước Cites và đang chờ quota xuất khẩu. 5 trại đó là: 1 ở tỉnh An Giang, 4 ở TPHCM gồm: Công ty Cá sấu Hoa Cà (Q12); Công ty Du lịch Suối Tiên (Q9); cơ sở nuôi cá sấu Tồn Phát (Củ Chi), Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn (Thủ Đức).
Như vậy, để người dân tham gia nuôi cá sấu làm giàu, giải pháp duy nhất hiện nay là xây dựng tập trung các trại nuôi có đủ điều kiện như Công ước Cites quy định. Phát triển theo hướng trại vệ sinh có nghĩa là các trại nuôi sẽ cung cấp con giống cho các hộ gia đình nuôi gia công và sẽ tiến hành mua lại của các hộ với giá thỏa thuận giữa hai bên theo hợp đồng. Làm ăn theo mô hình trên sẽ tạo được việc làm cho dân, đảm bảo được nguồn thu bền vững, tránh được rủi ro cho đầu ra. Hơn nữa Việt Nam có khả năng phát triển công nghệ nhuộm da, thuộc da, sản xuất thành phần trọn vẹn, xóa bỏ việc xuất khẩu da muối và thịt đông lạnh, để cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillippines và Campuchia.
THÀNH THY
Nuôi cá sấu thương phẩm
Ở nước ta hiện có 3 loài cá sấu được nuôi là cá sấu nước lợ, cá sấu nước ngọt, cá sấu Cuba. Cá sấu có nhiều loại nhưng đều có những đặc điểm sinh học khá giống nhau. Một quy trình nuôi cá sấu khép kín được chia làm 3 khâu chính: nuôi cá sấu thương phẩm 1- 3 tuổi; nuôi cá sấu sinh sản và thu ấp trứng cá sấu; nuôi cá sấu con dưới 1 tuổi. Quy trình nuôi đầy đủ này chỉ phù hợp với những trang trại lớn, có cơ sở vật chất đầy đủ, kỹ thuật cao. Với những hộ chăn nuôi gia đình quy mô nhỏ thì việc nuôi cá sấu thương phẩm là phổ biến hơn.
Xây dựng chuồng trại
Cần chọn nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, kín gió. Một chuồng cỡ trung bình kích thước 30x30m có thể nuôi hơn 800 con cá sấu thương phẩm.
Rào chắn: Không cần phải làm rào chắn quá cao, nhưng cá sấu có thể tẩu thoát bằng cách dũi đất nhất là khi đất quá ẩm, vì vậy nên chôn hàng rào ngập trong đất ít nhất 50cm.
Có thể dùng gạch chỉ, gạch patanh để xây móng chìm trong đất và xây thành tường cao lên cách mặt đất 30cm. Phía trên hàng tường này buộc gỗ hoặc lưới kim loại để rào kín. Tường rào xây cao khoảng 1,4m có thể nuôi nhốt những con cá sấu dài 2m an toàn. Chuồng nuôi nhất thiết phải có nước cho cá sấu đầm mình, vì vậy phải có ao hoặc bể xây.
Mô hình một ao nuôi cá sấu có đáy đất, bờ được xếp hoặc kè đá và xi măng, có dòng nước tự chảy vào - ra nhưng vẫn giữ được mức nước cố định... được coi là một mô hình phù hợp nhất đối với các chuồng nuôi cá sấu thương phẩm.
Mật độ nuôi
Cá sấu được nuôi theo từng lứa tuổi, ứng với mỗi lứa tuổi cần có mật độ nuôi thích hợp. Khi cá sấu nuôi ở lứa tuổi 1- 3 rất cần có khoảng trống để vận động, mật độ nuôi phải thưa, từ 0,6 - 1con/m2 ở điều kiện bình thường. Nếu có điều kiện cho ăn tốt, giữ được vệ sinh chuồng trại và cá sấu được phân loại để nuôi riêng theo cùng một kích thước thì có thể nuôi với mật độ dày hơn (3con/m2).
Cho ăn và chăm sóc
Có thể cho ăn tất cả thức ăn có nguồn gốc động vật. Tốc độ lớn của chúng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đạm động vật cho chúng ăn. Những loại thức ăn bán sẵn dành cho chó, cá... (trong đó dùng đạm có nguồn gốc thực vật) rất ít tác dụng với cá sấu và thường rất đắt.
Cá sấu không chịu ăn loại thức ăn có phối trộn nhiều thành phần đã sấy khô hoặc ướp muối. Người ta thường cho cá sấu ăn những loại thức ăn có nguồn gốc động vật như lòng lợn, lòng bò, lòng gà, vịt... tốt nhất là cá đồng và cá biển, chuột.
Cách cho ăn
Phải cho cá ăn thức ăn tươi, cắt thành các mảnh nhỏ để cá sấu dễ nuốt và không để ruồi nhặng bâu. Khoảng 2 ngày mới cho cá sấu ăn 1 lần. Lượng thức ăn hàng ngày xấp xỉ 1/70 trọng lượng thân và có thể dồn lại mỗi tuần cho ăn 3 lần.
Nếu nuôi ở qui mô nhỏ, khi cho cá sấu ăn người ta đặt thức ăn lên các tấm ván hoặc các miếng tôn để dễ dàng quét dọn, di chuyển.
Tốc độ lớn: Cá sấu đực thường lớn nhanh hơn cá sấu cái 11%.
Lưu ý: Khi nuôi cá sấu thương phẩm chú ý nên có một chuồng cách ly để nuôi riêng những con yếu, dùng nguồn nước riêng, máng ăn giữ sạch và có chế độ chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra nên lập một khu riêng có nhiều ngăn chuồng nhỏ để nhốt giữ cá sấu trước khi thịt.
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật nuôi lươn trên cạn
- - Nuôi ếch hiệu quả
- - Hấp dẫn nuôi rắn hổ hèo
- - Làm giàu từ con cua đinh
- - Lợi nhuận cao từ nuôi cua đồng
- - Thử nghiệm mô hình nuôi rắn Ri voi trong ao nông hộ tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang
- - Kinh nghiệm cho ếch sinh sản nhân tạo trái mùa
- - Thu nhập khá nhờ nuôi ếch đồng
- - Nuôi tôm càng xanh ở Kiên Giang
- - Quản lý và sử dụng hiệu quả các loại thuốc thú y thủy sản
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...