Dùng thuốc nào để diệt trừ nhện hại cây trồng?

Cây bông Huệ, cây Đu đủ, cây cam quýt và một số loại cây rau mầu ở chỗ chúng tôi gần đây thường hay bị nhện đỏ gây hại, bà con đã dùng nhiều loại thuốc để phun xịt nhưng không thấy có kết qủa, hoặc kết qủa rất thấp. Xin cho biết cụ thể loại thuốc nào có khả năng diệt trừ được loài nhện này?

Đào Lê Chung (Tam Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang)

và một số bà con ở Vĩnh Cửu Đồng Nai

Trả lời: Trên cây trồng bên cạnh những sâu bệnh thường gặp thì nhện hại cây trồng như nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng… (mites) cũng là một đối tượng quan trọng. Tác hại của chúng có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nhiều người cho rằng nhện cũng giống như sâu đều gây hại cho cây trồng nên cứ dùng thuốc sâu phun xịt là được, họ không biết được rằng chỉ trừ một vài loại thuốc trừ sâu có khả năng  trừ được nhện  số còn lại không có tác dụng diệt trừ đối vớt đối tượng này, vì thế mỗi khi vườn cây, ruộng rau nhà mình  bị nhện gây hại  là họ lại mua đại thuốc trừ sâu  về xịt, kết qủa dẫn đến nhiều người lâm vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Để hạn chế sự lãng phí công sức và tiền của, nếu đã biết chắc chắn cây trồng nhà mình bị nhện gây hại  thì các bạn nên chọn mua và sử dụng  luân phiên bằng một trong những loại thuốc chuyên trị nhện sau đây:

- NISSORUN 5EC: Loại thuốc này có tác  động tiếp xúc, ức chế sự hình thành chất cutin làm cho nhện non không lột xác được mà chết, như vậy thuốc chủ yếu dùng để diệt nhện non. Tuy không diệt được nhện trưởng thàn, nhưng chúng làm cho nhện trưởng thành không đẻ trứng được, hoặc nếu có đẻ trứng được thì trứng cũng không  nở thành nhện non. Hiệu lực của thuốc tuy  có chậm  nhưng tác dụng của nó lại kéo dài hàng tháng. Thuốc ít có khả năng gây kháng thuốc cho nhện. Thuốc có tác dụng phòng trừ nhiều loài nhện  (nhện đỏ, nhện vàng, nhện trắng...) trên  rau đậu, cây ăn trái, cây hoa cảnh, cây chè...Thuốc rất an toàn cho cây trồng.

- COMITE  73EC: Thuốc có tác động tiếp xúc và xông hơi. Diệt trừ nhện nhanh (sau 1-2 ngày) và có thể kéo dài tới 15-20 ngày. Thuốc diệt được cả nhện non và nhện trưởng thành. Ít có khả năng gây kháng thuốc cho nhện. Thuốc có tác dụng  trừ các loại nhện hại bông, đậu đỗ, chè, cây ăn trái, cây cảnh. Không dùng loại thuốc này cho đu đủ, hoa hồng, bông huệ...

- ORTUS 5EC: Thuốc có tác động tiếp xúc và vị độc, có tác dụng đối với cả nhện trưởng thành, trứng và nhện non. Hiệu lực  trừ nhện tương đối nhanh  và kéo dài trên 3 tuần. Thuốc có tác dụng  phòng trừ nhiều loại nhện hại rau, đậu đỗ, bầu bí mướp, ớt, cây chè, cây ăn trái, cây hoa cảnh...thuốc ít gây tính kháng thuốc cho nhện .

- SIRBON 5EC: Có tác động tiếp xúc, vị độc, phổ tác động rộng  có thể diệt được cả trứng, nhện non và nhện trưởng thành cuả các loài nhện  hại cây trồng, nhất là nhện hại cây chè, hại nhóm cây có múi, nho, rau đậu, cây cảnh...

- KELTHANE 18,5EC: Có tác động tiếp xúc, trừ được cả nhện non, nhện trưởng thành và trứng. Thuốc  có thể trừ được các loài nhện hại trên nhiều loại cây trồng, nhưng thuốc rất độc đối với cá. Thời gian cách ly trên cây nho là 35 ngày, trên các cây trồng khác là 2 tuần. Đây là loại thuốc nằm trong danh mục hạn chế sử dụng ở Viện Nam. Chỉ được sử dụng trên cây lâm nghiệp, cây ăn trái và một số cây rau mầu  trồng xa các hồ ao nuôi cá.

Ngoài  những loại thuốc chuyên dùng để trị nhện trên đây còn có một số loại thuốc  ngoài tác dụng trừ sâu cón có cả tác dụng trừ nhện như Danitol10EC; Cascade 5EC; Pegasus 500SC; Vertimec 1,8EC/ND; Lannate 40SP; Monster 40EC; DC-Tron Plus 98,8EC...Một vài loại thuốc trừ bệnh cây cũng có khả năng trừ  được nhện như Kumulus 80DF; Lime  sulfur.