Vẻ đẹp huyền bí hoa Tulip

“Chú ở Hà Lan nhớ đi thăm hội chợ hoa Keukenhof nhé. Đi một lần là nhớ suốt đời đấy. Đừng bỏ lỡ chú nhé. Mỗi năm chỉ có một tháng thôi".

Nhận được visa vào Hà Lan, tôi rất háo hức. Bởi tôi đã biết đến nước Hà Lan khi trong số con cháu nhiều đứa học Trường trung học Hà Nội-Amsterdam (gọi tắt là Trường Am), mang tên Thủ đô của nước này.

Sang đến Amsterdam, tôi “meo” cho Phương Mai, vốn là phóng viên rất xuất sắc của tờ báo dành cho tuổi học trò,  đã “phá giới” sang nghề giáo dục. Sau khi nhận bằng Tiến sĩ, Mai đang làm giảng viên Đại học tại Amsterdam. Hơi buồn khi đọc những dòng trong email phúc đáp: “Chú ơi, cháu đang đi Trung Đông 2 năm liền. Đang ở Syria chú ạ. Vừa thích vừa sợ..."

Thế là mất một “hướng dẫn viên” mình đặt bao nhiêu hy vọng. Mai chỉ đưa ra một lời khuyên: “Chú ở Hà Lan nhớ đi thăm hội chợ hoa Keukenhof nhé. Đi một lần là nhớ suốt đời đấy. Đừng bỏ lỡ chú nhé. Mỗi năm chỉ có một tháng thôi".

Thôi được. Tôi cùng đoàn đi Keukenhof vậy.
 


 
Sau khi rời Theatre district Hotel và chạy ra ngoại thành Amsterdam trên quãng đường mà hai bên là những cách đồng hoa tulip ngút ngát như kéo đến tận chân trời, chiếc xe buýt hướng về phía Lisse đột ngột dừng lại. Keukenhof Garden đây rồi !

Cái tên Keukenhof tiếng Hà Lan có nghĩa là “Vườn bếp” nói lên xuất xứ của nó - một nơi trồng rau xanh để phục vụ một bếp ăn lớn.  Dấu vết còn lại là toà lâu đài ở ngay cổng vào có cùng tên. Toà lâu đài được xây dựng từ năm 1641 do một nhà chỉ huy quân sự của Công ty Tây Ấn đã giúp tạo ra một nước Hà Lan giàu có vào thế kỷ 17 nhờ vào việc chinh phục thuộc địa. Toà lâu đài là nơi tổ chức những cuộc vui, dạ hội, tiệc tùng của giới quý tộc xa hoa ngày xưa.
 

 
Vườn Keukenhof được ông Thị trưởng thành phố Lisse hồi đó thành lập từ năm 1949 với ý định làm nơi trưng bày để các nhà trồng và tạo giống hoa Hà Lan và châu Âu mang nhưng bông hoa truyền thống và lai tạo dưới bàn tay nghệ nhân của mình đến tranh tài, đồng thời để quảng cáo cho nghề trồng hoa của Hà Lan, nhằm biến Hà Lan thành nước xuất khẩu hoa số 1 trên thế giới. Ý tưởng ấy được hưởng ứng nhiệt tình và thực tế đã trên nửa thế kỷ nay, Keukenhof đã trở thành một vườn hoa lớn bậc nhất hành tinh.
 

 
Tôi đã đến Côn Minh, nơi hàng năm có Hội hoa nổi tiếng thế giới trong một tour du lịch Vân Nam (Trung Quốc), đã thấy ngợp trước chợ hoa ở đó, nhưng nếu so với Keukenhof thì còn xa lắm. Tại đây chỉ thấy trên là trời mà dưới đất là hoa. Thiết kế tổng thể của khu vườn vô cùng ngoạn mục với những vườn hoa đan xen nhau như những tấm thảm khổng lồ bày đặt trên một diện tích rộng tới 30 hecta. Giữa những cánh đồng hoa muôn hồng nghìn tía ây là nhưng mảnh vườn trong nhà kính, những con hồ trong vắt và phẳng như gương với bầy thiên nga trắng muốt nhản nha bơi lộ…Riêng đường đi lối lại uốn lượn trong khu vừon hoa lớn nhất thế giới này đã lên tới 15 km, mỗi năm nườm nượp 700.000 du khách đến tham quan (trong tổng số 44 triệu khách đã đặt chân đến đây kể từ ngày thành lập). Nhưng nhộn nhịp nhất đông đúc nhất chính là thời gian tôi có dịp đến chiêm ngưỡng Thiên đường hoa này kéo dài từ tháng Ba đến giữa tháng Năm.
 

 
Tại khu vườn này, du khách còn có thể thưởng thức vẻ đẹp của những mảnh vườn theo phong cách riêng của từng nước châu Âu, cùng với trên 150 công trình nghệ thuật của 50 nghệ sĩ nổi tiếng. Trong những ngày Lễ hội, vài ngày hay cả tuần lại dành cho một chủ đề nhất định. Ví dụ năm nay (gọi là FLORIADE 2012) Keukenhof dành cho chủ đề “Ba Lan, trái tim châu Âu”, có tuần nhạc Chopin, tuần nhạc Jazz, đợt trình bày trang phục dân tộc, ngày khiêu vũ Ba Lan, ngày Thi xe hoa…

Vườn Keukenhof thật xứng đáng với giải “Điểm đến hấp dẫn nhất châu Âu” đã được Hiệp hội du lịch thế giới trao tặng.
 

 
Tôi cũng thoáng buồn khi nghĩ đến Lễ hội hoa Đà Lạt và mong một ngày nào đó mình cũng tự hào về hội hoa…

Hoa chủ yếu được trồng trong Lễ hội hoa Keukenhof là loài hoa tulip và những loại cùng họ trồng bằng củ, trông tựa củ hành tây như Thủy tiên, Dạ lan hương (hyacinth), huệ tây … mà mỗi bông hoa nở trên ngọn một thân mọc thẳng mập mạp cao chừng 1-2 gang tay, đầy sức sống. Các nhà trồng hoa kinh nghiệm đầy mình đã tạo ra mỗi năm hàng chục giống mới bằng cách lai tạo, ghép mầm, cấy mô làm quần thể hoa thêm phong phú. Tuy nhiên chủ yếu ở đây vẫn là hoa tulip (còn gọi là uất kim cương)  truyền thống.
 

 
Tulip vốn không phải “thổ dân” Hà Lan mà là “kẻ nhập cư”.  Chưa biết chính gốc ở đâu nhưng từ 1.000 năm trước công nguyên  người ta đã thấy nó mọc tại Nam Âu, Bắc Phi, Trung Á. Chỉ biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thấy được vẻ đẹp của giống hoa hoang dại, đem về trồng trong vườn, trong chậu, trong những lâu đài sang trọng. Họ biết giữ giống để dành cho mùa sau.

Nhà sinh học nổi tiếng Carolus Clusius, làm việc tại vuờn bách thảo Leiden (Hà Lan), là người đầu tiên đem tulip du nhập vào Hà Lan từ năm 1593,  nhờ vào sự giúp đỡ của một người bạn thân - Flemish De Busbecq. Trong thời gian “đi sứ” sang Constantinople - Thỗ Nhĩ Kì, ông này say mê vẻ đẹp của loài hoa lạ và gửi một ít củ giống hoa về cho Clusius để trồng chúng tại vườn hoa Leiden.
 

 
Cái tên hoa tulip cũng có nhiều giả thuyết. Các nhà ngôn ngữ  học bảo tên này xuất xứ từ tiếng Thổ “tulbend” nghĩa là nhung lụa, hàm ý so sánh vẻ đẹp như nhung của hoa (chẳng thế  thời đại hoàng kim của đế chế Thổ Ottoman gọi là Thời đại hoa tulip - Tulip era). Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Alexandre Dumas “Hoa tulip đen”, biệt danh của một hiệp sĩ ra đời vào thời điểm Hà Lan đang vinh danh một nhà làm vườn tạo ra được hoa tulip đen.

Để thêm hương vị cho loài hoa mình ưa thích, nhiều người không đồng ý với cách lý giải “khô khan” của nhà ngôn ngữ nên đặt ra nhiều truyền thuyết về sự tich Uất kim cương. Phổ biến hơn cả là câu chuyện sau:

Trong một lần đi đưa cơm cho cha chăn cừu trên núi, cô con gái út tên Tulip đã bị tên điền chủ bắt về dệt thảm cho hắn. Suốt ngày, nàng bị nhốt trong một gian phòng kín, quanh năm không có ánh mặt trời. Ròng rã đã ba năm… Nỗi nhớ nhà và cha mẹ khiến nàng quyết định bỏ trốn. Khi Tulip chạy gần tới nhà với đôi chân rớm máu, tên điền chủ phóng ngựa đuổi kịp. Tulip biết mình đã kiệt sức, không chịu để bị bắt trở lại, nàng đã lao mình vào chân con ngựa đang chạy nhanh. Nàng ngã sấp xuống tuyết và chết.

Sáng hôm sau từ bãi tuyết trắng rợn người nơi Tulip bị vùi thân mọc lên một loài hoa đỏ thắm, góp thêm một vẻ đẹp đầy quyến rũ cho đời. Hoa đó mang tên nàng – hoa Tulip.
 

 
Có lẽ trong số muôn loài hoa hoa tulip có vể đẹp lạ thường. Mỗi củ chỉ mọc lên một bông duy nhất nên có lẽ vì thể, mọi tinh túy của mà củ đã tích luỹ cả năm trút trọn vẹn cho hoa. Mỗi bông tulip có 6 cánh (các nhà sinh học căn cứ vào chưc năng, bảo thực ra là 3 cánh ở phía trong mới đúng là cánh hoa, còn 3 cánh ngoài chỉ là lá đài), dày dặn, tựa như được phủ bởi một lớp phấn cực mỏng, mịn như nhung úp vào nhau như một chiếc ly, miệng lúc đầu chúm chím như e ấp, thẹn thò, sau mới mở rộng dần.  Chẳng loại hoa nào có màu sắc đa dạng và phong phú như hoa tulip, gần như đủ các sắc độ (kể cả màu đen nhưng trừ màu xanh da trời) mà màu nào cũng nhuốm vẻ huyền bí như tỏa sáng từ phía bên trong. Có loài cánh hoa có những sọc màu sắc khác nhau. Nhìn bông hoa khoẻ khoắn, mập mạp, người ta cảm thấy chúng tràn đầy sức sống.
 

 
Có mặt ở Keukenhof vào thời khắc này mới thấy sự lộng lẫy và hoành tráng của những tấm thảm hoa khổng lồ và sinh động mà bàn tay và khối óc của con người có thể tạo ra. Nghe nói số củ tulip đem gieo xuống đất trong mỗi lệ hội – mà cũng là số những bông hoa bừng nở dưới bầu trời bây giờ - lên đến con số 7 triệu.

Người Hà Lan như yêu tulip khác các dân tộc khác. Gây được giống rồi, họ bỏ biết bao nhiêu công sức ra chăm sóc. Họ tôn vinh Tulip làm “quốc hoa” , biểu tượng cho đất nước mình tuy theo tài liệu, bông hoa tulip đầu tiên chỉ nở trên đất Hà Lan vào mùa xuân năm 1594, cách nay mới hơn 5 thế kỷ. Cảm động trước tấm lòng thành của người, những nàng Uất kim cương diễm lệ đã vui lòng ở lại đất nước có độ cao thấp hơn mặt biển này, thay đổi những thói quen để thích nghi với quê hương mới. Rồi các nàng sinh con đẻ cái, những đứa con có nhan sắc rực rỡ, đằm thắm khác hẳn tổ tiên mình từng sống trên núi cao, rừng thẳm ở Trung Á vốn là nơi chôn rau cắt rốn. Có lẽ chẳng nước nào trên thế giới tạo ra được những loài tulip độc đáo như Hà Lan.
 

 
Tulip đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Hàng năm, Hà Lan làm đông lạnh và xuất khẩu tới 14 triệu bông hoa, 1,6 triệu cây con nảy chồi sẵn. Và chủ yếu là củ tulip.

Vài chục năm trước tôi qua Tiệp Khắc, lần đầu tiên trông hoa tulip cứ nghĩ nó là hoa giả, là bằng nhung, bằng nhựa hay bằng sứ mời có thể đẹp đến vậy. Song điều tôi chú ý là bên cạnh kiôt bán hoa tulip luôn có những bà cụ ngồi ngay vỉa hè bên cạnh bán củ tulip. Hoa tha hồ chọn mà chỉ giá 3 curon (tiến Tiệp) mà củ những 5 curon. Sao lạ vậy?
 

 
Mua củ về, mất công trồng, mà chưa chắc đã mọc. Nếu có mọc thì rất hú hoạ, mình sẽ thu được bông hoa chưa biết màu sắc của nó ra sao. Vậy mà nó lại đắt hần gấp đôi bông hoa. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi bà cụ. Cụ cười hồn hậu bảo:
 

 
Người ta mua hoa là mua hiện tại. Mua củ là mua tương lại. Ai chẳng tò mò, muốn biết tương lai mình như thế nào…
Ra vậy ! Tương lai là một câu đố bí hiểm mà đôi khi chẳng do mình quyết định. Hãy tự mình trồng rồi chiêm nghiệm tương lai có đúng như mình mong muốn không…

Tulip có rất nhiều màu, nêu phân biệt một cách tinh tế, có đến vài chục. Người ta đặt cho mỗi màu hoa một ý nghĩa. Đứng trước người mình định ngỏ lời, chàng trai cầm một bông tulip mang tăng. Hoa sẽ giúp chàng “thay lời muốn nói”. Vì thế đối với cánh trẻ, có cả một quyển Tự điển “Ngôn ngữ của hoa tulip”. Nhận một bông hoa được tặng, nếu còn hồ nghi về lời nhắn gửi, chỉ việc chờ lúc vắng người, lén mở quyển Tự điển ấy và … tra.

Thật lãng mạn, phải không bạn?

Cảm ơn Phương Mai về lời khuyên “Đi một lần là nhớ suốt đời”.
 
  • Theo Tuấn Phong/ VietNamNet

 

Lần cập nhật cuối (Thứ ba, 05 Tháng 6 2012 13:46)