Công nghệ cao: Tạo sức bật cho nền nông nghiệp TP Hồ Chí Minh

Lãnh đạo TP tham quan gian hàng Trung tâm công nghệ sinh họcKhác với nhiều địa phương trên cả nước, nền nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh là nền nông nghiệp đô thị. Chính vì vậy thành phố đang chú trọng xây dựng ngành nông nghiệp kỹ thuật cao, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp hiện đại, tiếp thu công nghệ, máy móc thiết bị mới - hiện đại để trao đổi và chuyển giao cho các vùng chăn nuôi và trồng trọt, sau đó thu mua sản phẩm từ các vùng sản xuất nông nghiệp để tiêu thụ trong thành phố và xuất khẩu…

Cũng trong các năm qua, cùng với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung, thành phố đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao với mục tiêu hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, có hàm lượng chất xám cao, công nghệ hiện đại, được đầu tư toàn diện và đồng bộ, mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, phù hợp đặc thù nông nghiệp của một đô thị lớn. Hơn nữa do đất đai ngày càng thu hẹp, TP Hồ Chí Minh đã sớm xác định nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) sẽ là lời giải cho bài toán làm sao để sản xuất nông nghiệp thu được sản lượng và hiệu quả vượt trội trên một đơn vị diện tích.

Việc đi trước một bước trong lĩnh vực NNCNC được thể hiện ngay từ năm 2000, TP Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc xây dựng 1 khu NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô 88 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Đây là nơi triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhằm hoàn thiện công nghệ, nhân giống cây trồng (rau, hoa, cây cảnh); đào tạo, trình diễn và chuyển giao công nghệ, cũng như kêu gọi đầu tư tập trung trong lĩnh vực trồng trọt. Nhiều DN trong khu NNCNC hiện đang triển khai nghiên cứu các loại giống rau, củ, quả và trình diễn mô hình các loại rau cho năng suất rất cao với hệ thống bón phân, tưới nước nhỏ giọt hoàn toàn tự động, giúp giảm 70% lượng phân, thuốc, nước và tiết kiệm được 50% chi phí nhân công. Ông Huỳnh Đoàn Thông - Giám đốc Công ty TNHH Chánh Phong ở Củ Chi - chuyên sản xuất lai tạo các loại hạt giống rau màu chia sẻ, từ ngày tham gia hoạt động sản xuất theo mô hình công nghệ cao, công ty đã xây dựng hệ thống canh tác tiên tiến như nhà lưới, hệ thống cung cấp nước, hệ thống dinh dưỡng hoàn toàn tự động, nhờ vậy hoạt động sản xuất đem lại hiệu quả cao và thân thiện với môi trường.

Quá trình đột phá của ngành nông nghiệp CNC của TP Hồ Chí Minh còn là sự ra đời Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao. Chính từ cơ sở này, thành phố dần hình thành thế hệ các DN nông nghiệp hiện đại, năng động và thân thiện với môi trường. Thạc sĩ Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao cho biết, đến nay có 8 DN được tập huấn song song công tác tập huấn cho nông dân. Qua các hoạt động này đã tác động vào suy nghĩ, lối canh tác, ứng dụng của DN và bà con nông dân, trong tốc độ đô thị hóa thì với mảnh đất chúng ta sẽ làm gì để chuyển dịch cơ cấu cho phù hợp? Theo đề án phát triển nông nghiệp đô thị thành phố, giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2015 đạt 220 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2020 đạt 300 triệu đồng/ha/năm và năm 2025 đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Nhưng với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố hiện đã có giá trị sản xuất từ 200 - 400 triệu đồng và cá biệt nhiều mô hình có thể lên đến 600 triệu đồng - 1 tỷ đồng trên một đơn vị ha/năm. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; các chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, phát triển rau an toàn, bò sữa, thủy sản, hoa - cây cảnh - cá kiểng, cá sấu … Phấn đấu đến năm 2015, diện tích hoa cây kiểng đạt trên 2.100 ha, cá kiểng trên 100 triệu con, duy trì đàn bò ở mức 83.500 con, đàn heo 300.000 con, cá sấu 190.000 con, diện tích gieo trồng rau trên 15.000 ha... Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 6%/năm, giá trị gia tăng 5%/năm.

Ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, TP tiếp tục chú trọng phát triển dịch vụ nông nghiệp, đi vào bảo quản, chế biến, nuôi cây con giống… Không quá khó để nhận thấy công nghệ cao đang là giải pháp tối ưu nhất để đổi mới ngành nông nghiệp thành phố, kịp thời thích ứng với tình hình kinh tế thị trường còn bấp bênh như hiện nay. Rõ ràng công nghệ cao không chỉ đem lại lực đẩy mà còn được xem là giải pháp hiệu quả để ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh có thể vững vàng trước biến động về giá cả và xu hướng hội nhập hiện nay.

TP Hồ Chí Minh đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho 3 giai đoạn phát triển nông nghiệp công nghệ cao:

+ Giai đoạn 2010-2015 sẽ hình thành thêm 3-4 khu nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi, thủy sản.

+ Giai đoạn 2015-2020 đưa vào hoạt động 4-5 khu nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển các DN nông nghiệp tạo các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sạch hơn; xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao theo từng vùng sinh thái.

+ Giai đoạn 2025 đưa sản xuất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh đạt trình độ thâm canh và ứng dụng công nghệ cao ngang tầm khu vực theo đặc trưng của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.

Theo Báo Kinh tế Việt Nam, 10/2012