


Mô hình sáng tạo: Bưởi da xanh xen dừa xiêm
Cây bưởi và cây dừa là hai loại cây có tán rộng không được khuyến khích trồng xen hướng đến hiệu quả kinh tế. Nhưng cách trồng xen bưởi da xanh với dừa xiêm của anh Tuấn đã chứng minh được hiệu quả kinh tế cao. Chỉ với 5 công đất, anh Tuấn đã thu được lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm từ tiền bán bưởi và trái dừa xiêm.
Năm 1993, biết được giống bưởi da xanh ngon nên anh Tuấn đầu tư trồng 60 cây bưởi thay thế cây chanh trên diện tích 1,5 công đất vườn đang cằn cỗi. 4 năm sau, bưởi da xanh có trái. Thời điểm đó, bưởi da xanh có giá 8.000 – 9.000 đồng/kg. Trồng bưởi da xanh đem về thu nhập cao, nên năm 1997 anh Tuấn tiếp tục chiết nhánh để nhân giống trồng thêm 3,5 công đất mà vợ chồng anh vừa mua thêm từ tiền bán bưởi, tiền anh đi làm hồ dành dụm. Những năm đầu, vườn bưởi da xanh vẫn phát triển bình thường, nhưng đến năm 2000, anh thấy nhiều cây bưởi bị chảy mủ, vàng lá. Nhìn lại vườn bưởi trồng năm 1993 vẫn xanh tốt bình thường, anh Tuấn cứ nghĩ mãi chưa tìm ra được nguyên nhân vì sao vườn bưởi mới trồng cũng trên cùng dải đất nhưng lại bị bệnh. Bưởi giống do anh đích thân chọn chiếc nhánh từ bưởi nhà, không thể là nguyên nhân gây bệnh. Còn cách chăm sóc, anh cũng chăm bón như vườn bưởi tươi tốt bên cạnh.
Thế rồi, trong một lần nâng niu, tiếc rẻ mấy cành bưởi cao khỏi đầu héo vàng, anh thấy những nhánh bệnh toàn ở hướng bị nắng gắt chiếu trực diện. Nhìn sang đám bưởi trồng trước anh Tuấn nhận ra trong vườn bưởi tươi tốt xung quanh có bóng râm của cây mảng cầu (được anh trồng xen trong vườn chanh trước đó). Anh Tuấn quả quyết, bưởi bị chảy mủ, vàng lá là do ảnh hưởng của nắng nóng! Vậy là anh đốn bỏ gần 50 cây bưởi da xanh (trong tổng số 150 cây) 3 năm tuổi để trồng lại theo phương pháp trồng xen. Anh Tuấn kể lại: “Thấy tôi chặt bỏ vườn bưởi do công sức, tiền của mấy năm đổ vào, vợ tôi cản và bảo để dưỡng cây bán trái kiếm chút ít gỡ vốn. Tôi thì quả quyết, không bỏ thì vài năm cũng bỏ, mà để thì trái cũng không đạt, thay vì chặt trồng cây mới, bưởi tốt lấy lại mấy hồi”.
Anh Tuấn không áp dụng trồng xen cây bưởi với cây mãng cầu mà chọn trồng xen cây dừa xiêm xanh. “Bưởi trồng xen dừa xiêm khi thu hoạch bán được tiền nhiều gấp mấy lần cây mãng cầu. Dừa xiêm ăn lâu dài, cây có tán không lớn lắm, chỉ 7 – 8 mét, sẽ tạo bóng râm hợp lý cho cây bưởi” – anh Tuấn tính vậy.
Anh Tuấn trồng dừa xiêm khoảng cách 8 mét mỗi cây, giữa 2 cây dừa anh trồng một cây bưởi. Bưởi với dừa xiêm được anh Tuấn trồng theo hình tháp. Mỗi công đất nếu trồng chuyên bưởi là 40 cây, dừa là 18 cây, nhưng với cách trồng xen anh Tuấn trồng được 30 cây bưởi và 12 cây dừa. Với cách trồng này, cây bưởi và cây dừa đều phát triển rất tốt và anh Tuấn bắt đầu thay thế dần diện tích đất chuyên bưởi bằng cách đốn bớt để xen dừa tạo bóng râm.
Tất cả 5 công đất trồng xen gồm 150 cây bưởi xa xanh, và 60 cây dừa xiêm của anh Tuấn hiện nay đã đem về kết quả bước đầu. Với cách xử lý tỉa lá trong thân theo hình tam giác cho ra trái quanh năm, năm 2006 từ 80 cây bưởi da xanh cho trái ổn định mỗi tháng anh Tuấn thu hoạch được 800 trái, trung bình mỗi trái 1,5 kg. Với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, 1,2 tấn bưởi anh Tuấn thu được trên 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chỉ tính phần tiền bán bưởi da xanh đã đem về lợi nhuận cho anh Tuấn trên 100 triệu đồng. Riêng 30 cây dừa xiêm đang cho trái, mỗi lứa (17 ngày) anh Tuấn bẻ bán 400 trái dừa, với giá bán bình quân 2.200 đồng/trái, năm qua đem về cho anh thu nhập năm gần 9 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi 8 triệu đồng. Tính ra, đến khi cả vườn trồng xen bưởi da xanh, dừa xiêm thu hoạch ổn định thu nhập của anh Tuấn sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Để vườn bưởi da xanh xen dừa tươi tốt, năng suất cao, anh Tuấn áp dụng kỹ thuật trồng bưởi theo quy trình IPM theo hướng dẫn của các nhà khoa học. Ngoài xử lý đất trước khi trồng bưởi, sử dụng phân bón hoá học có liều lượng hợp lý, anh Tuấn sử dụng nấm đối kháng trộn với phân chuồng vun cho cây bưởi 6 tháng 1 lần (hoặc pha nước với nấm đối kháng tưới dưới gốc cây) vừa giúp cây phát triển tốt nhờ phân hữu cơ, đồng thời tiêu diệt nấm dại để bảo vệ cây bưởi. Bên cạnh đó, anh Tuấn kết hợp nhử kiến vàng về cây bưởi để phòng trừ dịch hại trên cây. Theo kinh nghiệm anh Tuấn, khi kiến về ở trong vườn bưởi nhiều phải cho chúng ăn cá biển hoặc ruột gà, vịt, để kiến không tha rệp về dự trữ mà nếu không ăn hết, rệp sẽ quay sang tấn công bưởi. Hai năm nay, nhiều đoàn khách là các nhà vườn, kỹ sư đã đến tham quan mô hình trồng xen bưởi da xanh, dừa xiêm của anh Tuấn để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2007, anh Trương Minh Tuấn được tuyên dương nông dân sáng tạo tỉnh Bến Tre. Anh còn được Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cử làm báo cáo viên về kỹ thuật trồng bưởi da xanh theo quy trình IPM cho dự án phát triển vùng bưởi da xanh Mỹ Thạnh An.
http://www.ticay.com.vn
Các bài viết khác...
- - Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
- - Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
- - Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
- - Cách trị bệnh chổi rồng, vàng lá trên cây ăn quả
- - Kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh
- - Lắp đặt tưới tiết kiệm cho cây ổi - Lợi nhuận tăng gấp đôi
- - Dùng kiến vàng để diệt sâu cho vườn cây ăn trái
- - Trồng xen măng cụt trong vườn cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao
- - Dòi hại đọt bưởi - Côn trùng mới
- - Canh tác ca cao trên đất nhiễm mặn
Kỹ thuật trồng chuyên canh dừa dứa cho năng suất cao
Lập dừa dứa là tên quen
thuộc mà người dân ở ấp Phước Hậu, xã Tam ...
Kỹ thuật trồng dừa dứa (Aromatic Coconut)
I. Giới thiệu:
Để dừa trở thành cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, bà ...
Xử lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn: Kết quả bước đầu đạt được ở huyện Kế Sách
Bệnh chổi rồng là một đối tượng dịch hại trên cây nhãn đã xuất hiện ...