Áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc – chìa khóa khởi tạo niềm tin người tiêu dùng

Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm thông qua tất cả các giai đoạn từ tìm nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối ra thị trường. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp người tiêu dùng biết rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các công đoạn để làm ra sản phẩm. Ngày nay, theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng cũng bắt đầu muốn biết nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc... Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc dần dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ. Đối với người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc là cách để kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn, đảm bảo mua hàng chính hãng và an toàn trong quá trình sử dụng. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã vạch trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống thông tin hiện đại, khách hàng sẽ biết được sản phẩm đó được làm, nuôi, trồng…ở đâu, các công đoạn chế biến như thế nào....Đối với doanh nghiệp, đây chính là thông điệp về chất lượng sản phẩm mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng một cách cụ thể nhất; là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm công khai, minh bạch các thông tin về sản phẩm, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Từ năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt Đề án truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia là đơn vị triển khai các nội dung để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn của sản phẩm trong toàn chuỗi cung ứng, nâng giá trị hàng hóa của Việt Nam. Một trong số đó là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Cổng thông tin này có các bên trong chuỗi cung ứng tham gia như: nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, vận chuyển, phân phối, bán lẻ, cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý. Dự kiến quý 3 năm 2021, cổng thông tin đưa vào vận hành.

Trong những năm qua, kinh tế tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ổn định và phát triển, nhiều sản phẩm, hàng hóa của tỉnh (gạo, thủy sản, trái cây, rau quả, thực phẩm, sản phẩm gia súc, gia cầm,…) có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mặc dù có nhiều nông sản đã hình thành được vùng sản xuất tập trung với qui mô lớn, có áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao và chất lượng tốt, đảm bảo số lượng đủ lớn để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu danh tiếng trên thị trường như:  khoai lang, hành lá, cải xà lách xoong, bưởi năm roi, cam sành, cá tra, chăn nuôi heo, gà, vịt… trong đó có một số sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm này chỉ mới được chú ý, quan tâm trong thời gian gần đây.

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Quyết định số 2979/QĐ-BKHCN, ngày 14/10/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, tỉnh Vĩnh Long xây dựng Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Quyết định số 841/QĐ-UBND, ngày 09/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh) nhằm vào các mục tiêu (1) triển khai có hiệu quả Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Vĩnh Long; (2) nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai thực hiện; (3) xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; (4) Nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, trong đó chú trọng các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, qua đó kiểm soát chặt chẽ các khâu của quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm,... góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của địa phương; (4) đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết về truy xuất nguồn gốc.

Để đạt được các mục tiêu trên, Sở KH&CN sẽ phối hợp với với các sở, ngành trong tỉnh thực hiện việc cập nhật hệ thống văn bản quy định, tài liệu hướng dẫn liên quan và thông tin, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về truy xuất nguồn gốc; xây dựng, triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa; nghiên cứu ứng dụng hoặc nhận chuyển giao công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hoạt động hợp tác trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc

Theo nội dung kế hoạch, giai đoạn từ 2021 - 2030 sẽ  xây dựng và vận hành hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên cơ sở tiếp nhận, chuyển giao phần mềm ứng dụng truy xuất nguồn gốc để phục vụ việc thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ; (2) Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, quy định có liên quan về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hướng dẫn thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa,…đối với cán bộ các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (3) đầu tư trang thiết bị phần cứng hoặc thuê hệ thống thiết bị để lưu trữ, cập nhật, truy xuất cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc; (4) hàng năm, xây dựng danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên tham gia hệ thống truy xuất; (5) tổ chức triển khai hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc 10 sản phẩm, hàng hóa (giai đoạn 2021 – 2025) và 20 sản phẩm (giai đoạn 2026 – 2030) đối với các cơ sở/doanh nghiệp/hợp tác xã sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh; triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, công nghệ mới (Blockchain, IoT, Big Data…) ứng dụng trong hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; (6) Kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (khi đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật và được sự chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ). (7) đầu tư nâng cấp trang thiết bị phần cứng hoặc thuê hệ thống thiết bị để lưu trữ, cập nhật, truy xuất cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh (khi cần thiết).…

Sở KH&CN sẽ là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất cụ thể hóa cơ chế, chính sách tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa không chỉ là xu hướng tiêu dùng tất yếu của thị trường, đặc biệt là tiêu dùng thông minh hiện nay, mà còn là chìa khóa khởi tạo lại niềm tin, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, đồng thời, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Điều này đã đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước, và được xem như tấm giấy thông hành, là yếu tố bắt buộc để các sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Có thể thấy, dù truy xuất nguồn gốc được xem là hướng đi còn nhiều khó khăn, song, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Triệu Uyên