Thư viện KH&CN Vĩnh Long trước thách thức công nghệ số

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng lan tỏa nhanh chóng và tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, nền tảng kỹ thuật số luôn được các quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm khai thác, ứng dụng để tạo ra giá trị gia tăng mới. Hòa cùng dòng chảy đó, hoạt động thông tin - thư viện đã kịp thời thích ứng bằng biện pháp phát triển nguồn tin dạng số, đặc biệt hình thành thư viện số trên cơ sở đảm bảo giữ gìn, phát huy giá trị gốc của thư viện truyền thống.

Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu chung: ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Theo đó, các địa phương, trong đó có Vĩnh Long đã ban hành các quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xem chuyển đổi số ngành thư viện là khâu đột phá phục vụ độc giả trong tình hình mới.

Thư viện KH&CN quốc gia

Riêng đối với thư viện ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), theo Cổng thông tin điện tử của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, từ năm 2014 đến nay, đã cơ bản hình thành thư viện số phục vụ bạn đọc trực tuyến, đa ngành với nguồn lực thông tin dồi dào, nguồn tài liệu điện tử trong nước và quốc tế phong phú, đa dạng nhất cả nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm: cơ sở dữ liệu (CSDL) công bố KH&CN Việt Nam cho phép truy cập toàn văn 270.000 bài báo khoa học của Việt Nam trên các lĩnh vực; CSDL nhiệm vụ KH&CN Việt Nam cho phép đọc tóm tắt và thông tin chính về 36.000 nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà  nước; các CSDL quốc tế như ScienceDirect, Springer Nature, IEEE, ACS, ProQuest Central, Web of Science (ISI), Scopus… Bên cạnh đó, Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN (Vietnam Library Consortium on e-Resources) được thành lập năm 2004, là tổ chức hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Cục Thông tin KH&CN quốc gia chủ trì, điều phối; thực hiện chức năng kết nối, tập hợp các tổ chức thông tin, thư viện trên toàn quốc để phối hợp bổ sung, tăng cường nguồn lực thông tin và khả năng truy cập tới các nguồn tin KH&CN trong nước và quốc tế, phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục đào tạo và đổi mới sáng tạo…

Thư viện KH&CN Vĩnh Long trước thách thức công nghệ số

Quản lý thư viện KH&CN Vĩnh Long là một trong những nhiệm vụ trọng tâm do Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN. Năm 2006, lần đầu tiên ra mắt độc giả, đến nay, Thư viện điện tử KH&CN Vĩnh Long đã phát triển nguồn tin KH&CN tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giới thiệu độc giả gần 1.000 đầu sách, báo, tạp chí; 59.867 tài liệu số hóa; 8.000 sách số hóa; 9.834 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 9.834 luận án tiến sĩ; 4.378 phim KH&CN, sở hữu trí tuệ và cuộc sống… Bên cạnh đó, nguồn tin KH&CN số hóa cũng được chuyển giao cho trên 120 xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong đó có các xã nông thôn mới… Mặt khác, từ khi chính thức đưa vào hoạt động đến nay, thư viện điện tử KH&CN Vĩnh Long đã phục vụ trên 1.146.997 lượt bạn đọc trực tuyến, riêng năm 2021 trên 245.230 lượt, chiếm tỷ lệ 21,38% tổng số lượt bạn đọc. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số thư viện KH&CN Vĩnh Long đã từng bước được hình thành và ngày càng phát triển cả về nguồn tin KH&CN số hóa lẫn số lượng phục vụ độc giả trên phạm vi toàn cầu thông qua môi trường internet.

Trước yêu cầu của công nghệ số, đòi hỏi ngành thư viện nói chung và thư viện KH&CN Vĩnh Long nói riêng phải xác định những bước đi phù hợp trước những cơ hội mới như: Thư viện KH&CN Vĩnh Long ngày càng thể hiện được vai trò, gia tăng vị thế trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình chuyển đổi thư viện số; mang đến cho độc giả trong và ngoài nước những cơ hội tiếp cận nguồn tin, CSDL, kiến thức chuyên ngành KH&CN mang tính đặc thù địa phương; mở ra cơ hội trong phát triển nguồn tin KH&CN số nhằm phục vụ hiệu quả, thiết thực nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc thông qua môi trường internet; mở ra cơ hội trong cung cấp dịch vụ, mở rộng phạm vi phục vụ và chia sẻ thông tin chuyên ngành, đặc biệt, thông tin về các nhiệm vụ KH&CN của địa phương đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội…

Bên cạnh những cơ hội mới, công nghệ số cũng đặt ra nhiều thách thức đan xen đối với thư viện KH&CN Vĩnh Long:

- Một là, nguy cơ mất vị thế, vai trò và niềm tin của độc giả. Với nền tảng kỹ thuật số, CSDL là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế, vai trò và niềm tin của độc giả đối với Thư viện KH&CN Vĩnh Long nói riêng và các thư viện số nói chung. Do đó, việc phát triển CSDL, nguồn tin KH&CN số đảm bảo chất lượng, trong sạch phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là nguồn tin mang tính đặc thù của địa phương. Mặc dù, Thư viện điện tử KH&CN Vĩnh Long đến thời điểm hiện tại, CSDL, nguồn tin chuyên ngành KH&CN khá phong phú, tuy nhiên, nếu không tiếp tục quan tâm phát triển, Thư viện KH&CN Vĩnh Long sẽ phải đối mặt với nguy cơ này.

- Hai là, xâm phạm quyền tác giả. Với mong muốn chia sẻ rộng rãi các nguồn tin trên môi trường số cho đông đảo độc giả, thư viện số cần đặc biệt quan tâm đến bản quyền tài nguyên thư viện khi số hóa. Theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ, các thư viện được sao chép, cho phép kết nối, chia sẻ tài liệu cho các thư viện khác trong trường hợp thư viện là chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan của tài liệu đó. Trường hợp thư viện thu phí dịch vụ khai thác, sử dụng tài liệu phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là thách thức không nhỏ đối với tất cả thư viện số hiện nay. Do đó, Thư viện KH&CN Vĩnh Long cần có những bước đi phù hợp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật trong việc công bố, cung cấp, chia sẻ nguồn tin KH&CN trên môi trường số.

- Ba là, an toàn thông tin. Cuộc cách mạng internet kết nối toàn cầu đã đặt ra nhiều thách thức về an toàn thông tin. Việt Nam đang thực hiện tiến trình chuyển đổi số, tuy nhiên, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên không gian mạng, nền tảng số, nguy cơ mất an toàn dữ liệu đang có chiều hướng gia tăng. Thư viện số nói chung và Thư viện KH&CN Vĩnh Long nói riêng vì lẽ đó, hơn lúc nào hết phải chú trọng ứng dụng công nghệ bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin nhất là khi CSDL, nguồn tin KH&CN ngày càng phong phú, đa dạng và có mặt ở khắp nơi. Cần giải pháp nào, ứng dụng công nghệ nào để đảm bảo dữ liệu được khai thác, trao đổi, chia sẻ một cách an nhất là bài toán đặt ra và cần được nghiên cứu trong quá trình phát triển Thư viện KH&CN Vĩnh Long.

- Bốn là, nguy cơ tụt hậu so với cộng đồng thư viện số trong nước và thế giới. Việc ứng dụng nền tảng số, đòi hỏi Thư viện KH&CN Vĩnh Long phải không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, phương pháp vận hành cũng như các hình thức cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc; thường xuyên nâng cấp hệ thống, rà soát, khắc phục những lỗ hổng bảo mật. Mặt khác, người quản lý, quản trị, vận hành hệ thống thư viện số cần phải được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công nghệ thông tin nhất định… Có như thế, Thư viện KH&CN Vĩnh Long mới tránh được vòng xoáy nguy cơ tụt hậu so với cộng đồng thư viện số.

- Năm là, nhận thức về vị trí, vai trò của thư viện số cũng như trình độ ứng dụng, khai thác, chia sẻ thông tin trên thư viện số vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, không ít nhà quản lý, lãnh đạo ngành, địa phương chưa hiểu đúng về kỹ thuật số, từ đó, xem nhẹ vị trí, vai trò của thư viện số trong phát triển kinh tế - xã hội hoặc có ý kiến cho rằng, có thư viện số sẽ không cần thư viện truyền thống, không cần không gian đọc phục vụ độc giả. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức, trình độ khai thác thông tin trên thư viện số của số đông người dùng tin còn nhiều hạn chế; không ít người còn thờ ơ với sách, xem nhẹ việc tích lũy tri thức cho bản thân, từ đó, xem nhẹ vai trò của thư viện số đối với sản xuất và đời sống. Đây vừa là thách thức vừa là khó khăn cho phát triển thư viện số nói chung và Thư viện KH&CN Vĩnh Long nói riêng.

Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp quản lý cũng đã, đang và sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi số thư viện nhằm đáp ứng xu thế toàn cầu hóa. Tin tưởng rằng, Thư viện KH&CN Vĩnh Long sẽ có những kế hoạch, bước đi cụ thể, phù hợp; vận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả trên cơ sở đảm bảo giữ gìn và phát huy giá trị của thư viện KH&CN truyền thống./.

Nguyễn Thanh Sang
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Vĩnh Long