Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long

Ngày 10 tháng 3 năm 2021 Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành Quyết định số 417/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 3 năm 2021 về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2030 ngành tài nguyên và môi trường sẽ quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Tạo thế chủ động, hiệu lực, hiệu quả trong: quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng

Mục tiêu đến năm 2025: 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hóa, mang lại sự thuận tiện cho người dùng; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu m để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Mục tiêu đến năm 2030, giảm 30% thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài nhà nước. 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bảo vệ chủ quyền quốc gia về dữ liệu tài nguyên và môi trường trên không gian mạng, liên tục cập nhật với sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Các nhiệm vụ ưu tiên trong chuyển đổi số tài nguyên và môi trường

- Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số ngành tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm quản lý toàn diện, hiệu quả, gồm: cơ sở dữ liệu về nền địa lý quốc gia, quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, tài nguyên nước, viễn thám, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước.

- Xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số về tài nguyên và môi trường đến năm 2030.

- Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, quản lý chất thải, nguồn thải, cảnh báo sớm thiên tai.

- Thu hút nhân lực, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyên môn cao về công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số; mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch điện tử về đất đai, liên thông, chia sẻ dữ liệu đất đai của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long.

Đối với ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Long, mục tiêu trước mắt của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Đầu tư một bước về cơ sở hạ tầng, hình thành môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra:

- Về hoàn thiện quy chế, quy định pháp lý: tham mưu xây dựng các quy chế về thu thập, tạo lập, quản lý, cung cấp nguồn tài nguyên số lĩnh vực tài nguyên và môi trường.  Tham gia hoàn thiện các quy định về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ chuyển đổi số về tài nguyên và môi trường.

- Về phát triển dữ liệu: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh (gồm các dữ liệu thành phần: dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu thống kê – kiểm kê đất đai và dữ liệu giá đất). Kết nối, liên thông dữ liệu đất đai với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia. Tiếp tục cập nhật thêm thông tin, dữ liệu về đất đai, quan trắc môi trường vào hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường toàn tỉnh.

- Về phát triển các ứng dụng, dịch vụ: Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên môi trường thông qua Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để bảo đảm việc xử lý hồ sơ có mã số theo quy định. Tiếp tục sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia, trao đổi văn bản thông suốt với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Trung ương và các địa phương khác. Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch điện tử về đất đai, liên thông, chia sẻ dữ liệu đất đai, đáp ứng nhu cầu kết nối và chia sẻ thông tin  đất đai với các ngành có liên quan (xây dựng, ngân hàng…), người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng tra cứu thông tin đất đai, quy hoạch sử dụng đất trên máy tính và điện thoại, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa xây dựng và tài nguyên môi trường, kết nối, chia sẻ và cung cấp thông tin đất đai trực tuyến cho các ngân hàng thương mại và phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến.

- Về bảo đảm an toàn thông tin: Thực hiện việc nâng cấp, điều chỉnh hệ thống thông tin đất đai nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn về kỹ thuật theo hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Xây dựng và triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng. Phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông thực hiện hoạt động đánh giá phát hiện mã độc, lỗ hổng, điểm yếu, thử nghiệm xâm nhập hệ thống và tổ chức khắc phục các vấn đề vừa nêu (nếu có) để giữ an toàn cho hệ thống.

Để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong đơn vị theo hướng ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số. Tham gia các khóa đào tạo, nâng cao trình độ, nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức do cơ quan có thẩm quyền tổ chức, tạo nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. Phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các giải pháp công nghệ tạo nền tảng thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường./.

NGUYỄN VĂN HIẾU
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Vĩnh Long