Một số giải pháp phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 – 2025

Hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam được xếp thứ ba khu vực Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Singapore, vượt xa Thái Lan và Malaysia. Những năm gần đây hoạt động khởi nghiêp trên cả nước phát triển mạnh mẽ nhất là giới trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nhiều người đã thành doanh nhân thành đạt góp phần rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, có được thành công đó là do Chính phủ và chính quyền địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ, hun đúc, cùng với khát vọng, sự bùn cháy tinh thần khởi nghiệp. Kinh doanh là quyền Hiến định, vì vậy tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước có quyền thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. Khởi nghiệp từ tiếng Anh gọi là Startup và là từ được dùng phổ biến hiện nay khi nói về hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ. Khi khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam có thể lựa chọn một trong các mô hình kinh doanh sau: Hộ kinh doanh; Hợp tác xã; Các loại hình doanh nghiệp theo quy định Luật doanh nghiệp. Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Trong các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp có thể phân thành hai nhóm: nhóm hoạt động khởi nghiệp và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.  Cụ thể như đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản cụ thể như:: Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018  của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 18/02/2020  của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Để được hưởng chính sách hỗ trợ thì doanh nghiệp đó phải chứa đựng thành tố đổi mới sáng tạo. Hiện chưa có tiêu chí cụ thể mang tính quy phạm để xác định, nhưng theo cách hiểu chung nhất thì doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp được hình thành từ ý tưởng mới, lạ, mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, chuỗi cung ứng, dịch vụ mới, ứng dụng khoa học công nghệ có thể chưa có tiền lệ, từ đó khởi nghiệp kinh doanh tạo ra sản phẩm thương mại.

Hưởng ứng chương trình khởi nghiệp quốc gia, hình thành phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng, tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 28/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu trong quyết định đến năm 2025, mỗi năm có từ 400 doanh nghiệp thành lập mới trong đó có 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tỷ lệ 2.5%. Sáu tháng đầu năm 2021, tính đến ngày 29/6/2021 tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 187 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 1.839,6 tỷ đồng. So với chỉ tiêu 400 doanh nghiệp 01 năm thì 06 tháng đầu năm đã đạt 46,75%. Trong Quyết định có nhiều chính sách hỗ trợ chung cho hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cụ thể như: Hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Hình thành môi trường khởi nghiệp; Đào tạo khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Hỗ trợ tài chính, thuế, tín dụng; Hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp; Giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Hỗ trợ tìm kiếm mặt bằng; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Năm 2020 tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 4.200 doanh nghiệp. Theo mục tiêu đề ra trong quyết định thì trong 5 năm tới Tỉnh có từ 2.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có từ 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, như vậy về số lượng doanh nghiệp tăng lên gần 50%.  Để đạt được số đó phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp một cách quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp kịp thời, hiêu quả. Cần chú ý thúc đẩy nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt chú ý phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh  lên doanh nghiệp. Hoàn thiện, mở rộng khu công nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư.

 Với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ như các doanh nghiệp khởi nghiệp khác, vì có tính mới nên cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư đặc biệt và một số giải pháp đặc thù riêng để tạo đà cho loại này phát triển lâu dài cũng như đạt được mục tiêu trong Quyết định đề ra. Dưới đây là ba nhóm giải pháp phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất công tác tuyên truyền, tìm ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Tuyên truyền cho mọi người biết về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đối tượng tập trung là đoàn viên, thanh niên, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền thông qua nhiều kênh nhưng quan trọng nhất là kênh trực tiếp, thông qua người thật, việc thật như mời các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia về hướng nghiệp, khởi nghiệp nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp với đoàn viên, sinh viên, từ đó truyền cảm hứng, tạo định hướng, giúp họ có hoài bảo, tự tin để khởi nghiệp. Đề cao vai trò doanh nhân trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế. Công tác này nên giao cho Hội đồng tư vấn khởi nghiệp của Tỉnh.

Thành lập sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Trên thực tiễn nhiều người có ý tưởng dự án hay, khả thi, nhưng chưa đủ năng lực khởi nghiệp, người có năng lực khởi nghiệp lại chưa có dự án tốt, để tạo điều kiện để hai bên trao đổi, hợp tác hiệu quả nhất là thành lập sàn giao dịch. Đơn cử trường hợp của Ông Trương Quang Vinh, kỹ sư hóa, hiện đang là Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trương Việt, chuyên sản xuất phân sinh học tại TP.HCM. Trước đây, Ông đã tìm ra công thức phân bón sinh học, nhưng không có vốn để sản xuất, sau gần 8 năm mới tìm được một nhà đầu tư, hai bên hợp tác thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Công thức đó đã thành một sản phẩm thương mại khá ni tiếng ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tạo vườn ươm doanh nghiệp. Ý tưởng, dự án khả thi, bài dự thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức hằng năm của Tỉnh đạt giải đưa vào vườn ươm, để đầu tư, mời gọi nhà đầu tư, làm như vậy nhằm hiện thực hoá các ý tưởng, dự án kinh doanh và cuộc thi khởi nghiệp sẽ đi vào thực chất, giúp cho người trẻ luôn tư duy, nghiên cứu, họ có thể kiếm được rất nhiều tiền từ ý tưởng, dự án.

Thứ hai thành lập quỹ khởi nghiệp sáng tạo. Vốn là một trở ngại. Tỉnh có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ ngân sách, mức hỗ trợ theo định mức, theo quy định nên chưa đủ mạnh, vì vậy tỉnh cần có quỹ đầu tư khởi nghiệp của nhà nước, do tỉnh thành lập từ ngân sách nhà nước, từ đó mời gọi nhà đầu tư, tham gia gọi vốn đầu tư vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích thành lập quỹ đầu tư tư nhân. Nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, gọi chung là các nhà đầu tư mạo hiểm, phần nội dung này đã có khung pháp lý được quy định trong Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018.

Thứ ba đưa chương trình khởi nghiệp thành môn học. Bộ giáo dục cần ban hành giáo trình khung, đưa chương trình khởi nghiệp trở thành một môn học ở các bậc học trong hệ thồng giáo dục, từ phổ thông đến đại học. Trong phạm vi thẩm quyền Sở giáo dục và đào tạo xây dựng chương trình lồng ghép tuyên truyền về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sang tạo vào môn học, bài học phù hợp trong chương trình phổ thông, hay vào các chương trình hướng nghiệp.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra ở tất cả các lĩnh vực nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ, chuỗi cung ứng mới, thường được tiến hành bởi những người trẻ vì vậy cần khơi dậy nơi họ khát vọng, hoài bảo, niềm tin, khát khao khởi nghiệp, vì vậy trang bị cho họ kiến thức về kinh doanh, pháp lý, năng lực quản trị, văn hoá doanh nhân cùng với sự động viên, hỗ trợ, biểu dương chắn chắn hoạt động khởi nghiệp nói chung sẽ phát triển mạnh, hình thành nên làn sống khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo không ngừng phát triển trên địa bàn tỉnh và tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp xứng tầm quốc tế./.

Thái Trường An
Trường Chính trị Phạm Hùng