Chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản - giải pháp thực hiện đề án Tỉnh Ủy tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là điều kiện phát triển nhanh, bền vũng cho ngành nông nghiệp hiện đại. Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp có thể chia làm ba khâu: thứ nhất là khâu sản xuất nguyên liệu; thứ hai là khâu thu gom, chế biến; thứ ba là khâu tiêu thụ. Trong ba khâu của chuỗi sản xuất có mối quan hệ phụ thuộc và quyết định lẫn nhau. Hiện nay người dẫn dắt thương mại là người quyết định khâu sản xuất, chứ không phải do người nông dân như trước đây. Cảnh chờ đợi thương lái của người nông dân đã chứng minh điều đó. Thị trường tiêu thụ nông sản hiện rất lớn, khi Việt Nam gia nhập WTO, AVFTA. Cơ hội, thị trường rộng mở, nhưng khó khăn cho hàng nông sản nước ta là hàng rào kỹ thuật. Để tiếp cận được với thị trường thế giới, đòi hỏi hàng nông sản phải đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Hoạt động xúc tiến thương mại theo truyền thống là tham gia các Hội chợ, gặp gỡ đối tác. Trong thời đại công nghệ thì hình thức xúc tiến thương mại điện tử, chợ thương mại điện tử gọi là hình thức chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng được xem là hiệu quả nhất.

Tỉnh Vĩnh Long với nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, cây ăn quả, rau, củ, nuôi thuỷ sản nước ngọt. Trên thực tế việc khai thác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả chưa cao, chưa nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, khâu bảo quản, chế biến còn yếu, chủ yếu còn bán nguyên liệu dạng thô hoặc chỉ qua sơ chế. Sản xuất, tiêu thụ chưa ổn định và bền vững. Nguyên nhân có ở cả ba khâu trong chuỗi sản xuất. Vì vậy tổ chức lại chuỗi sản xuất nông sản cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng là một yêu cầu vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài,  kế hoạch tổ chức lại phải tiến hành từng bước, phù hợp với nguồn lực cho từng giai đoạn. Một giải pháp của thời đại 4.0 là chuyển đổi số đồng bộ cả ba khâu chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Trong văn kiện Đại hội đại biểu tỉnh đảng bộ nhiệm kỳ 2021-2025 đã ban hành đề án: “ Tổ chức hệ thống tiêu thụ nông- thuỷ sản gắn với cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025”. Để khai thác hiệu quả, phát triển bền vững ngành nông sản cho tỉnh nhà thì việc đầu tiên là phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Xác định, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, theo hướng chuyên canh; Xác định nguyên liệu tiềm năng, là thế mạnh của Tỉnh và theo nhu cầu của thị trường để phát triển. Cần có những sản phẩm đặc biệt về chất lượng, đặc thù của địa phương, tiến đến xây dựng thương hiệu. Ví dụ như trồng lúa mùa theo truyền thống, mỗi năm chỉ một vụ, thời gian còn lại luân canh cây màu. Như vậy giá trị 1kg lúa có thể cao gấp 10 lần là bình thường, ngoài ra còn tăng độ phì của đất, cân bằng môi trường sinh thái, lợi nhuận cũng cao hơn. Chú ý phát triển các sản phẩm Ocop; Số lượng phải đủ lớn phục vụ cho xuất khẩu, một số sản phẩm tiến đến sản xuất theo hợp đồng; Chất lượng phải đạt tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap: Quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học, cơ giới hoá, tự động hoá, ứng dụng công nghệ vào sản xuất như các công nghệ cảm biến, phân tích, lưu trữ số liệu: Phải có mô hình tổ chức sản xuất, chú ý hai mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã và mô hình liên kết trực tiếp với doanh nghiệp;  Số hoá trong từng giai đoạn của quy trình sản xuất nguyên liệu: từ ngày tháng, loại vật tư nông nghiệp sử dụng. Đảm bảo truy xuất đầy đủ các thông tin của nguyên liệu. Khâu thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói phải được tiến hành bởi một pháp nhân thương mại, không để các thương lái tự do, thực hiện khâu này. Ví dụ như các thương lái thu gom lúa về bán lại cho một số nhà máy xay lúa, sau đó xay thành gạo đóng bao xuất khẩu. Tiến tới tất cả các sản phẩm nông sản bán trên thị trường phải được đóng gói, dán tem như các sản phẩm nông sản bán ở siêu thị các nước Châu Âu, tất cả đều có tem, dù đó là một trái chuối. Vì trên tem sẽ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cũng là lời cam kết của nhà cung ứng với người tiêu dùng.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là tiền đề để tiến hành tổ chức lại khâu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ được xác định là thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Hình thức, kênh tiêu thụ trước nhất là củng cố các hình thức, kênh truyền thống, phát triển lên theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ các tổ chức kinh tế trên địa bàn nhất là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số. Táo bạo và đột phá hơn cho khâu tiêu thụ nông sản là tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ hoặc thành lập doanh nghiệp, xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ, phân phối một số mặt hàng nông sản của Tỉnh ở một quốc gia nào đó. Ví dụ nước Nhật vào mùa đông tuyết rơi, nên các loại rau chỉ trồng trong nhà kính, nên giá thành rất cao. Thổ nhưỡng tỉnh Vĩnh Long phù hợp và trồng rau được quanh năm.

Uỷ ban nhân dân tỉnh cần có một đề án xây dựng chợ thương mại điện tử, thành lập một doanh nghiệp nhà nước với mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trước nhất phục vụ cho bán hàng nội địa. Bước đầu có thể cung cấp thông tin, môi giớ, gắn kết nhu cầu hợp tác và xúc tiến thương mại. Các mặt hàng nông sản của cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức thương mại có thể tiến hành giao dịch trên các phiên chợ điện tử. Ví dụ ông A ở vùng nông thôn muốn bán một con bò, bà B có vườn mận đang chín muốn bán với hình thức cho khách vào vườn tự hái, ông C có 100 tấn cá sắp thu hoạch. Họ vào chợ đăng tin, hình ảnh lên để rao bán. Người tiêu dùng, thương lái và người bán tiến hành giao dịch. Cơ sở hạ tầng thông tin của Tỉnh hiện rất tốt và hầu hết người nông dân sử dụng được smartphone, chắc chắn thực hiện sẽ thành công.

Riêng chợ thương mại điện tử phục vụ cho xuất khẩu, nhất là thị trường các nước tham gia AVFTA cần phải được tổ chức có hệ thống, bài bản, đồng bộ trong cả ba khâu, có sự phân vai, phối hợp chặt chẽ. Tốt nhất nên tổ chức theo hệ thống Logistics. Chợ thương mại điện tử với vai trò môi giới và xúc tiến thương mại.

Chuyển đổi số là một tất yếu của thời đại, nhưng đó là quá trình vừa khó khăn, vừa phức tạp, đòi hỏi mỗi người trong chuỗi sản xuất phải thay đổi nhận thức, có quyết tâm và khát vọng. Chính quyền địa phương với vai trò là người định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ và thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Do vậy kế hoạch thực hiện phải phù hợp với từng giai đoạn, phù hợp với nguồn lực, không được vội vàng cũng không chậm chạp./.

THÁI TRƯỜNG AN
Trường Chính trị Phạm Hùng